Làng câu cá ngừ đại dương lớn nhất Đông Nam Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng chài Thiện Chánh, gồm các khu phố Thiện Chánh, Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2, P.Tam Quan Bắc, TX.Hoài Nhơn (Bình Định), nổi tiếng nhờ có nhiều đội tàu đánh bắt hải sản hùng hậu, ngư dân lão luyện trong nghề câu cá ngừ đại dương.
Nhìn từ trên cao, làng Thiện Chánh như doi đất quay mặt ra biển, sau lưng là hệ thống cửa sông Tam Quan có nhiều tàu đánh cá đậu san sát nhau. Trong làng, nhà lầu, biệt thự, nhà trệt, hàng quán… nằm chen chúc nhau sầm uất. Ngư dân Thiện Chánh luôn tự hào làng mình trước kia nổi tiếng với nghề câu cá nhám ở Biển Đông, còn bây giờ là làng câu cá ngừ đại dương (còn gọi là cá bò gù) được xem là lớn nhất Đông Nam Á…

Nghề câu cá ngừ đại dương đã tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho ngư dân làng Thiện Chánh. Ảnh: Hoàng Trọng
Nghề câu cá ngừ đại dương đã tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho ngư dân làng Thiện Chánh. Ảnh: Hoàng Trọng
Đổi đời nhờ cá bò gù
Theo lão ngư Nguyễn Thanh Hồng (61 tuổi, Trưởng khu phố Thiện Chánh 2), những năm trước ngày thống nhất đất nước (30.4.1975), làng Thiện Chánh chỉ có mấy chục nóc nhà dựng bằng cốt tre, lợp mái tranh. Người dân trong làng chỉ có nghề khai thác hải sản gần bờ, phương tiện đánh bắt nhỏ, trang bị thô sơ nên hiệu quả rất thấp, thu nhập không ổn định.
Dù vậy, làng Thiện Chánh vẫn nổi tiếng một thời nhờ có đội thợ câu cá nhám lão luyện. Cá nhám còn gọi là cá mập cáo, ngư dân mệnh danh loài cá này là “chúa biển”, “cọp biển” bởi chúng rất hung hãn và mạnh mẽ khi đi săn mồi. Vì vậy, nghề câu cá nhám rất nguy hiểm, thợ câu phải bạo gan, lành nghề mới dám đánh bắt loài cá này.
Năm 17 tuổi, ông Hồng bắt đầu đi biển, làm nghề lưới vây, lưới mành… Sau khi lập gia đình, dành dụm nhiều năm mới sắm chiếc tàu cá có công suất lớn, ông Hồng chuyển sang làm nghề câu vàng (còn gọi là câu giàn). Cùng với con tàu được trang bị giàn câu có 500 lưỡi của mình, ông Hồng rong ruổi bủa câu khắp vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt cá nhám. Cách đây khoảng 25 năm, trong một lần đi biển, bất ngờ tàu của ông Hồng câu được những con cá bò gù đầu tiên.

Đường vào làng Thiện Chánh
Đường vào làng Thiện Chánh
“Đêm đó, tàu chúng tôi bất ngờ gặp đàn cá lớn lên đến hàng ngàn con, khuấy động cả vùng biển. Dù có kinh nghiệm đi biển nhiều năm, nhưng nhìn cảnh tượng đó ai cũng thấy lành lạnh. Đàn cá đi qua, chúng tôi bắt được những con cắn câu đều nặng hơn 50 kg, nhưng chẳng biết là cá gì. Khi vào bờ mới biết đó là cá bò gù, ngư dân ở Phú Yên, Khánh Hòa đã biết loại cá này rồi. Từ đó, tôi bắt đầu chuyển sang nghề câu cá bò gù, đánh bắt cá chuồn và liên tục trúng lớn, mỗi chuyến đi biển thu nhập cao hơn trước từ 8 -10 lần”, ông Hồng kể.
Những tỉ phú làng biển
Theo ông Hồng, khoảng từ năm 2000, thời điểm làng Thiện Chánh và các làng biển khác ở TX.Hoài Nhơn chuyển sang nghề câu cá bò gù, chính quyền địa phương đã vận động, tạo điều kiện để ngư dân vay vốn đóng tàu có công suất lớn. Gia đình ông Hồng cũng vay ngân hàng 60 triệu đồng để đóng thêm chiếc tàu khai thác hải sản xa bờ. Khoảng 1 năm sau, gia đình ông đã hết nợ ngân hàng. Năm 2015, ông Hồng chung vốn với vài người bạn đóng chiếc tàu trị giá 1,9 tỉ đồng để khai thác cá ngừ đại dương.
Nhờ nghề đánh bắt xa bờ và các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, chính quyền địa phương mà nhiều ngư dân làng biển Thiện Chánh trở thành tỉ phú, làm chủ đội tàu đánh bắt hùng hậu trên biển. Trong đó, tỉ phú ngư dân đầu tiên là ông Bùi Thanh Ninh (65 tuổi, ở khu phố Thiện Chánh 1), người được xem như “vua tàu cá” ở TX.Hoài Nhơn, đang sở hữu 8 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ. Ngư dân Trần Văn Sơn (50 tuổi, ở khu phố Thiện Chánh 2) làm chủ đội tàu gồm 7 chiếc và các ngư dân Huỳnh Quang Đạo, Nguyễn Văn Hùng, Huỳnh Văn Tình, Trần Trung Sơn, Đào Vương… đều là những người sở hữu từ 3 - 6 tàu cá, trị giá hàng chục tỉ đồng.

Sơ chế cá ngừ đại dương tại một cơ sở thu mua ở làng Thiện Chánh
Sơ chế cá ngừ đại dương tại một cơ sở thu mua ở làng Thiện Chánh
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, trong nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, Quyết định 48/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương lớn, kịp thời, hợp lòng dân. Nhờ Quyết định 48, từ năm 2011, nhiều ngư dân được vay vốn để đầu tư cải tạo trang thiết bị, phương tiện đánh bắt trên biển và hỗ trợ nguyên liệu cho các chuyến biển xa bờ.
Đến nay, khu phố Thiện Chánh 2 có khoảng 665 hộ, hầu hết đều làm nghề liên quan đến khai thác hải sản, thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/năm. Cả khu phố có 92 nhà cấp 3 (2 tầng kiên cố trở lên). Còn khu phố Thiện Chánh 1 có hơn 600 hộ và 100 nhà cấp 3, thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND P.Tam Quan Bắc, cho biết: Năm 2020, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân P.Tam Quan Bắc đạt 23.000 tấn, tổng sản phẩm địa phương đạt gần 5.000 tỉ đồng, thu nhập đầu người là 82,4 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, sản lượng khai thác hải sản chỉ đạt 15.000 tấn, tổng sản phẩm địa phương đạt 4.369 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người giảm xuống còn 75 triệu đồng/người/năm.
“Trong 3 tháng đầu năm 2022, ngư dân đã đánh bắt được 4.100 tấn hải sản các loại, trong đó cá ngừ đại dương 2.262 tấn. Nghề đánh bắt đang hồi phục nhanh sau khi dịch bệnh được khống chế, nhờ vậy mà đời sống người dân đã ổn định lại’, ông Dũng nói.
Phát triển bền vững kinh tế biển
Theo ông Trương Nam Phong, Trưởng phòng Kinh tế TX.Hoài Nhơn, toàn thị xã có hơn 2.100 tàu cá đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chiếm khoảng 60 - 70% sản lượng cá ngừ của cả nước. Trong đó, P.Tam Quan Bắc có 1.062 tàu đánh bắt xa bờ, riêng làng Thiện Chánh có 625 tàu.
Tại làng Thiện Chánh còn có xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp với cảng cá Tam Quan…, là lợi thế rất lớn để phát triển nghề khai thác xa bờ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Các làng biển khác ở các phường Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hương, Hoài Hải… đều phát triển nhanh từ thời điểm bắt đầu khai thác cá ngừ đại dương.
Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, TX.Hoài Nhơn đặt mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.
“TX.Hoài Nhơn đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy thu mua, chế biến các mặt hàng hải sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí vận chuyển, giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận vào giữa năm 2018 nên việc kêu gọi xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ để tạo đầu ra cho sản phẩm cá ngừ có chất lượng cao của địa phương cũng được thuận lợi hơn”, ông Phong nói.
Theo Hoàng Trọng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.