Điều này cần làm rõ tác động tăng giá bất động sản đến từ đâu, có phải từ cơ chế chính sách mới được ban hành hay không.
Nguồn cung bất động sản được cải thiện
Phát biểu tại hội thảo "Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản", GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, mà trong đó có nguyên nhân liên quan tới các vướng mắc pháp lý.
Từ năm 2024, thị trường bất động sản được kỳ vọng mở ra một trang mới với nhịp phục hồi tích cực khi có sự thay đổi của các đạo luật quan trọng.
Theo ông Chương, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi hướng tới việc tháo gỡ nhiều nút thắt về pháp lý giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. “Thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia trên thị trường bất động sản”, ông Chương nói.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết cho đến nay các bộ Luật đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện. Thời gian vừa qua đã bước đầu có những tác động đến thị trường bất động sản, nguồn cung bất động sản đã cải thiện. Các luật có hiệu lực tạo điều kiện thêm nhiều nguồn cung, các doanh nghiệp và địa phương có ngay cơ sở để thực hiện.
Giá bất động sản tại các địa phương cơ bản ổn định, ít biến động. Riêng tại Hà Nội tại các phiên đấu giá đất tăng cao so với giá khởi điểm và mặt bằng chung. Điều này cần làm rõ tác động tăng giá bất động sản đến từ đâu, có phải từ cơ chế chính sách mới được ban hành hay không.
Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững
Tham gia thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Luật Đất đai năm 2024 được hoàn thiện với nhiều nội dung đổi mới quan trọng. Luật Đất đai mới ban hành có 5 điểm tác động lớn đến thị trường bất động sản như quyền của người sử dụng đất, quy hoạch đất, thu hồi, tài chính và phân cấp phân quyền.
Trong đó, Luật đã bổ sung quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích; bổ sung, hoàn thiện hơn các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, tạo khung pháp lý về quản lý, sử dụng đất đầy đủ, toàn diện hơn nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực đất đai, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đây cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững như kỳ vọng và mong muốn của Nhà nước, của mỗi người dân.
Nhiều dự án bất động sản gấp rút trở lại đường đua
Giá bất động sản tăng cao, đánh thuế để ngăn tăng giá, đầu cơ?
Về tác động của các chính sách mới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết các doanh nghiệp đang rất hào hứng, chủ động trong các khâu tiếp cận, triển khai các điểm mới của Luật. Hiện có hai nhóm doanh nghiệp, thứ nhất là các doanh nghiệp đã có dự án nhưng đang chờ các tháo gỡ của Luật thì họ đang rất năng động để hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án. Nhóm thứ 2 là triển khai hoàn thiện các quy trình về đấu thầu, đấu giá.
Đại đa số đều đặt sự kỳ vọng rằng hành lang pháp lý mới sẽ góp phần giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án trong giai đoạn vừa qua.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia có chung nhận định, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã giúp hạn chế bớt tính không đồng bộ của các luật. Đặc biệt, 3 luật này có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu đã góp phần tạo động lực tích cực, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.
Theo Duy Minh (TPO)