(GLO)- Quyết định chọn xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) làm quê hương thứ hai, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Mừng sau khi nghe Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Púch Rơ Mah Nguyệt giới thiệu rằng, gia đình chị Mừng là hộ đầu tiên và duy nhất ở làng Bỉ thành công với mô hình trồng cây ăn trái xen trong vườn điều, cà phê. Dáng người nhỏ nhắn, chị Mừng xởi lởi đưa chúng tôi dạo quanh vườn trái cây đủ loại: ổi, mít, na... Đến khu vực trồng mít Thái, vừa tranh thủ trò chuyện, chị vừa nhanh tay cắt bỏ bớt vài trái mít trên cây. Chị bảo: “Mỗi cây chỉ nên giữ lại vài trái, có như vậy mới đảm bảo chất lượng”.
Chị Phạm Thị Mừng bên vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: A.H |
Hơn 4 năm gắn bó với xã biên giới Ia Púch, chị Mừng cho rằng đây là “đất lành” và chỉ cần chịu khó sẽ không sợ đói, sợ nghèo. Chị kể: “Ngay khi đặt chân đến xã, tôi dốc hết vốn liếng 200 triệu đồng để mua gần 5 ha đất rồi trồng 1.000 cây cà phê và 100 cây điều”. Sau đó, nghe ở đâu có mô hình trồng cây ăn trái cho thu nhập cao, chị lại tìm đến học hỏi và mua giống cây về trồng. Ban đầu, chị trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê, điều. Về sau, chị phủ kín các loại cây ăn trái như ổi lê, mít Thái, na, chôm chôm, bưởi... trên diện tích đất trống và nuôi thêm 10 con bò. Nói về nguồn thu nhập hiện tại, chị Mừng bộc bạch: “Năm vừa rồi, gia đình thu hoạch từ điều, cà phê và 300 cây mít Thái, 800 cây ổi lê được 300 triệu đồng. Dự kiến, khoảng 2 năm nữa, khi vườn trái cây cho thu hoạch đồng loạt, tôi sẽ thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm”.
Không chọn mô hình trồng cây ăn trái như chị Mừng, chị Đặng Thị Lanh (làng Goòng) lại bắt đầu với cây mì và cây điều. Nhắc lại khoảng thời gian 6 năm trước khi mới đặt chân đến xã biên giới Ia Púch, chị Lanh nói: “Khó khăn, vất vả lắm! Trong tay chỉ có 17 triệu đồng, mình thuê đất của người dân trong làng hết 2,5 triệu đồng/năm rồi dựng tạm căn nhà ván hết 8 triệu đồng nữa”. Để trang trải cuộc sống, ngoài trồng mì, hàng ngày, vợ chồng chị Lanh phải đi cuốc cỏ thuê, mua bán phế liệu... Thấy một số hộ dân trong làng bỏ trống đất sản xuất, chị bàn với chồng thuê lại 1 ha để trồng mì. “Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình mình thu được 36 triệu đồng. Có vốn, mình tiếp tục thuê thêm đất để trồng mì và thuê vườn điều có sẵn để chăm sóc”-chị Lanh cho biết. Từ hai bàn tay trắng, anh chị đã dành dụm mua được đất ở và 4 ha điều. Hiện tại, ngoài chăm sóc diện tích điều của gia đình, chị Lanh còn thuê 12 ha điều của người dân để canh tác và thuê 10 ha đất trồng mì. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị lãi trên 300 triệu đồng.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, chị Lanh, chị Mừng còn thường xuyên tham gia các hoạt động do đoàn thể địa phương phát động. Đặc biệt, mô hình vườn cây ăn trái xen vườn điều, vườn cà phê của chị Mừng còn là điểm tham quan, học hỏi của hội viên phụ nữ trong xã. “Nếu chị em nào có nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, giống, tôi đều sẵn sàng”-chị Mừng khẳng định. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Púch, đây là 2 hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi điển hình của xã, bởi toàn xã chỉ có khoảng 20-30 hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. “Hội cũng khuyến khích hội viên phụ nữ học hỏi các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và mạnh dạn áp dụng trên diện tích của gia đình để cải thiện cuộc sống”-chị Rơ Mah Nguyệt cho biết thêm.
Anh Huy