Kỳ 3: Bấu víu vào búp bê kumanthong là mù quáng và vi phạm pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một bộ phận người trẻ bấu víu vào búp bê kumanthong với niềm tin mù quáng "mong gì có nấy, cầu được ước thấy", nhưng họ không biết họ đã... bị lừa.
Cả tin, mù quáng vì đánh mất niềm tin vào bản thân
Theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, thời gian gần đây, việc buôn bán búp bê kumanthong phát triển rầm rộ ở một số quốc gia như: Thái Lan, Việt Nam, Singapore...

Nhiều người trẻ đắm chìm vào việc nuôi búp bê kumanthong mà không biết họ đang bị lừa đảo
Nhiều người trẻ đắm chìm vào việc nuôi búp bê kumanthong mà không biết họ đang bị lừa đảo
Sở dĩ có điều này, là vì xuất phát từ sự cả tin, mù quáng của một số người. Hàng loạt búp bê được sản xuất đại trà bán ra ngoài thị trường nhưng được "gắn mác" là búp bê kumanthong. Nhiều thêu dệt, thần bí hóa cho búp bê kumanthong có những đặc tính cao siêu, phi thường, cho rằng khi gia chủ chỉ cần chăm sóc như cho ăn uống, mặc quần áo... thì sẽ nhận được may mắn và phát tài, và cũng có thể được sử dụng để quấy phá đối thủ kinh doanh...

Một bàn ăn dành cho... búp bê kumanthong
Một bàn ăn dành cho... búp bê kumanthong
"Đó hoàn toàn là những hình thức lừa đảo, dựa vào lòng tin mù quáng của một số người. Xét về góc độ tâm linh, văn hóa và tín ngưỡng, không thể có việc đưa linh hồn vào trong búp bê để thờ phụng và giúp cho bất kỳ ai đạt được mục đích cá nhân của họ. Chưa nói đến việc người sở hữu không có năng lực kiểm chứng búp bê kumanthong ấy thật hay giả, có linh hồn hay không và "có làm được việc hay không", thì việc này đã đi ngược lại quy luật tự nhiên. Và việc lưu giữ linh hồn người đã mất nhằm phục vụ cho người sống là trái với đạo lý, trái với giáo lý nhà Phật, trái với thuần phong mỹ tục..., nên không thể chấp nhận được", ông Bình nói.

Chuyên gia nghiên cứu tâm linh Lê Thái Bình. Ảnh: NVCC
Chuyên gia nghiên cứu tâm linh Lê Thái Bình. Ảnh: NVCC
Cũng theo nhà nghiên cứu tâm linh này, nguyên nhân thực chất của vấn đề này xuất phát từ tâm lý chung của một bộ phận giới trẻ. "Họ đang dần đánh mất đi niềm tin vào chính bản thân mình. Đây đang là thực tế nhức nhối trong cuộc sống hiện đại của một bộ phận giới trẻ. Khi không có niềm tin vào bản thân, họ không có đủ khả năng tự lực cánh sinh làm việc chăm chỉ để đạt được thành tựu trong công việc, học tập... thì dễ rơi vào tình cảnh bấu víu niềm tin vào những thứ mê tín dị đoan như búp bê kumanthong hay bùa ngải... để có được sự may mắn hay đem lại tài lộc. Và rồi, những kẻ "buôn thần bán thánh" đã lợi dụng tâm lý ấy để thổi phồng về năng lực siêu nhiên của búp bê kumanthong nên càng ngày, việc mua bán tìm nuôi búp bê kumanthong càng rầm rộ", ông Bình phân tích.

Có người trẻ nuôi rất nhiều búp bê kumanthong
Có người trẻ nuôi rất nhiều búp bê kumanthong
Muốn thành công phải chăm chỉ, nỗ lực
Với những người trẻ đã và đang "lậm" vào búp bê kumanthong, chuyên nghiên cứu tâm linh Lê Thái Bình khuyên: "Hiện nay, những thông tin không kiểm chứng bị lan truyền khắp nơi. Người trẻ cần tỉnh táo sàng lọc thông tin thật kỹ, tránh sa vào những trào lưu độc hại như trào lưu nuôi búp bê kumanthong làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, sự tự tin, thông minh... của bản thân. Đặc biệt, học sinh sinh viên cần nghiêm túc hiểu rằng, không có thành công nào mà chỉ ngồi không vẫn đạt được. Phải thật sự chăm chỉ và nỗ lực bằng chính khả năng của bản thân chứ không mong cầu vào sự ban phép của một thế lực vô hình, siêu nhiên nào đó như cách bấu víu vào búp bê kumanthong. Bất kỳ mỗi người đều có khả năng riêng, hãy dành thời gian của bản thân để khám phá và phát triển những năng lực còn tiềm ẩn, mài dũa thành những giá trị cho riêng mình, giúp có thành tựu riêng. Ngoài ra, cần phải có lý tưởng sống, thoát khỏi những cái sự cám dỗ mê muội, bài trừ mê tín dị đoan...".
Ông Bình cũng mong các cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục để người trẻ thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn, không lệch chuẩn với các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp, cũng như không tham gia sản xuất, mua, bán, sử dụng búp bê kumanthong. Đồng thời phải kiên quyết nghiêm trị các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán búp bê kumanthong, gieo rắc lối sống không lành mạnh đối với người trẻ, học sinh, sinh viên...
Vi phạm pháp luật
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật) cho biết thực trạng mua bán, tìm nuôi búp bê kumanthong bằng việc bơm thổi sự huyền bí không có thật, truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi là hành vi vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó còn khiến nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may, bùa phép ở những người tin theo, đặc biệt là những người trẻ. Đồng thời dẫn đến những hệ lụy đối với xã hội, mà đặc biệt là các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: NVCC
Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: NVCC
Theo ông Bình pháp luật có những quy định cụ thể để xử lý những vấn đề liên quan đến việc sản xuất, buôn bán, thờ cúng búp bê kumanthong.
Cụ thể, xử phạt hành chính, tại điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 158/2013 quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người nào có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
"Ngoài ra, tại điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020 có quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Ở mức độ nghiêm trọng hơn người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo Điều 320 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)", ông Bình cho biết thêm.
Nhiều hệ lụy
Ông Lê Thái Bình cho biết thêm thực trạng người trẻ đắm chìm vào việc 'thỉnh' búp bê kumanthong để nuôi như thế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: không có cuộc sống độc lập, dễ bỏ qua các cơ hội thật sự trong cuộc sống, dễ sa ngã, đánh mất chính mình, dễ bị người khác lừa gạt, lôi kéo, luôn có tâm lý thua kém, tự ti, không xác định được phương hướng cuộc đời...
Theo Hà Bảo Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.