Kông Chro thực hiện tốt công tác trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận từ phía nhân dân, công tác trồng rừng năm 2017 trên địa bàn huyện Kông Chro đã “về đích” sớm hơn thời vụ và vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Đẩy mạnh triển khai

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức, thực hiện thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng năm 2017 cũng như những năm tiếp theo.

UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và triển khai kế hoạch trồng rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn cũng thành lập 13 Ban Chỉ đạo cấp xã; đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trên lâm phần quản lý.

Trên cơ sở kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Cụ thể: giai đoạn 2017-2018, UBND các xã, thị trấn phải thu hồi 1.965 ha; năm 2019 thu hồi 2.330 ha và các năm tiếp theo sẽ thu hồi 6.805 ha. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự nguyện kê khai diện tích nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, giao trả đất và trồng lại rừng trên đất bị lấn chiếm được tích cực triển khai với 91 đợt/13 xã, gồm 4.796 lượt người tham gia.

Tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện kê khai, giao trả đất và trồng lại rừng trên đất bị lấn chiếm. Ảnh: Hồng Thi
Tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện kê khai, giao trả đất và trồng lại rừng trên đất bị lấn chiếm. Ảnh: Hồng Thi

Theo kế hoạch, khối lượng trồng rừng mà UBND tỉnh giao cho huyện trong năm 2017 là 1.570 ha, bao gồm: trồng rừng tập trung 1.506 ha (huyện Kông Chro mà cụ thể là UBND các xã thực hiện 400 ha, Công ty lâm nghiệp Kông Chro 556 ha, Công ty Kông H’Dé 250 ha, Công ty Ia Pa 300 ha); trồng cây phân tán 64 ha (quy đổi 1.000 cây=1 ha) do UBND huyện thực hiện. Trên cơ sở này, huyện đã tổ chức cho người dân đăng ký trồng rừng và tuyển chọn giống cây rừng từ các doanh nghiệp cung ứng giống có thương hiệu ở tỉnh Bình Định (chủ yếu là keo và một ít bạch đàn). “Căn cứ quy định, mỗi hộ đăng ký trồng rừng sản xuất tối đa không quá 30 ha. Trước mắt, huyện tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ kinh phí ra làm; đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, huyện đã lập danh sách khoảng 55 hộ để đề nghị tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ để mua cây giống”-ông Ẩn thông tin.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện Kông Chro cũng đối mặt với không ít vướng mắc. Địa bàn rộng, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp nhiều; diện tích đất nương rẫy của người dân hiện đang xâm canh trên đất lâm nghiệp khá lớn với 31.000 ha, đa số là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, phân bố rộng gây khó khăn trong việc điều tra, rà soát quy hoạch rừng cũng như việc tổ chức, triển khai thực hiện, đòi hỏi phải có thời gian để tuyên truyền, vận động. Diện tích đất lâm nghiệp hiện chưa có rừng phân bổ chủ yếu ở những địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, xa khu dân cư, nếu muốn trồng rừng phải mở đường để vận chuyển giống cây trồng cũng như sản phẩm rừng trồng sau khai thác. Sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị chủ rừng và UBND các xã để thực hiện việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm chưa đồng bộ, kịp thời; nhiều hộ dân vẫn chưa tự nguyện kê khai vị trí, diện tích đang sản xuất trên đất rừng bị lấn chiếm của các công ty lâm nghiệp…

Vượt kế hoạch được giao

Khắc phục khó khăn bằng nhiều giải pháp tích cực, đến nay, công tác thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng năm 2017 của huyện Kông Chro đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; được tỉnh đánh giá cao về tiến độ thực hiện.

Theo đó, tổng số diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã thu hồi là 252,9 ha. Trong đó, UBND các xã thu hồi 242,5 ha/100 hộ, đạt 60,6% kế hoạch; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro thu hồi được 10,4 ha. Huyện cũng đã tổ chức cho 174 hộ dân đăng ký trồng rừng với tổng cộng 621,5 ha (vượt 221,5 ha so với kế hoạch tỉnh giao).

Chị Đinh Thị Lên (làng Siêu, xã An Trung) phấn khởi chia sẻ: “Cách đây 2 năm, gia đình tôi có tự trồng 1 ha cây keo, sau muốn trồng thêm nhưng không có tiền mua giống. Nay làm theo vận động của huyện, được Nhà nước hỗ trợ giống, chúng tôi đăng ký trồng thêm 3 ha. Trước toàn trồng đậu đen, đậu xanh, bắp, thu nhập bấp bênh, giờ nghe cán bộ nói về lợi ích được hưởng sau khi thu hoạch cây rừng, gia đình vui lắm, sẽ cố gắng trồng và chăm sóc để cây cho sản lượng gỗ cao”.

Tương tự, hộ ông Đinh Văn Bóp (làng Blà, xã Đak Sông) cũng đăng ký trồng 2 ha rừng trên diện tích đất trồng lúa rẫy, mì trước đây. “Qua tuyên truyền, tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của việc trồng rừng để tạo độ che phủ cũng như việc hưởng lợi sau này nên tự nguyện đăng ký tham gia. Ngoài 4.000 cây giống được hỗ trợ, tôi còn mua thêm 9.000 cây keo với giá 900 đồng/cây để trồng thêm 3 ha nữa”-ông Bóp nói.

Công tác trồng rừng trên địa bàn huyện hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Ảnh: Hồng Thi
Công tác trồng rừng trên địa bàn huyện hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Ảnh: Hồng Thi

Công tác trồng rừng tập trung của huyện Kông Chro tính đến thời điểm hiện tại đã được 838,9 ha, đạt 53,4%. Cụ thể: UBND các xã thực hiện được 514,9 ha/125 hộ, vượt 114,9 ha so với kế hoạch tỉnh giao; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro trồng được 219 ha. Bên cạnh đó, UBND các xã đã chuẩn bị đất và phát dọn thực bì 106,6 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro 346 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa xử lý thực bì được 105 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông H’Dé đang xin ý kiến để liên doanh, liên kết trồng 250 ha. Riêng công tác trồng cây phân tán với tổng số lượng 64.000 cây tương đương 64 ha trên địa bàn 14 xã, thị trấn đã hoàn thành.

Ông Ẩn cho hay, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc thu hồi diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, đồng thời vận đồng người dân tham gia trồng rừng trên diện tích đất thu hồi, tuyệt đối không để họ tái lấn chiếm.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.