Kon Tum: Độc đáo ẩm thực của các dân tộc vùng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du khách và bạn bè gần xa được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các Dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, tại tỉnh Kon Tum, năm 2023.
Mâm cơm truyền thống của đoàn nghệ nhân Lâm Đồng. (Nguồn: báo Kon Tum)

Mâm cơm truyền thống của đoàn nghệ nhân Lâm Đồng. (Nguồn: báo Kon Tum)

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các Dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023, du khách và bạn bè gần xa được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc qua Hội thi Ẩm thực truyền thống các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta và là vùng đất sinh sống của nhiều tộc người khác nhau. Mỗi tộc người lại bao gồm nhiều nhóm địa phương và có những sắc thái văn hóa riêng được hình thành trên những tương đồng văn hóa của vùng, mang đậm sắc màu Tây Nguyên, cấu thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc.

Các món ăn của từng dân tộc nơi tộc nơi đây thường gắn liền với đời sống thường ngày và mang nhiều hương vị, màu sắc đặc trưng. Nổi bật như các món gà nướng, cơm lam, lá mỳ xào, bò gác bếp, da trâu muối… khiến nhiều người khi thưởng thức sẽ nhớ mãi hương vị và nét đặc trưng của món ăn.

Đoàn nghệ nhân Gié-Triêng của tỉnh Kon Tum mang đến Hội thi Ẩm thực truyền thống các dân tộc vùng Tây Nguyên những món ăn đặc trưng thường có trong các dịp lễ hội, cưới hỏi và sự kiện cộng đồng.

Chị Y Nga, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chia sẻ ngoài món gà nướng, cơm lam, các nghệ nhân đã mang đến những món ăn rất riêng như canh bột, bánh lát đót, heo gác bếp, cá suối nướng, cà đắng, lá mỳ xào... Những món ăn này được chế biến rất đơn giản nhưng hương vị, màu sắc mang đậm tính đặc trưng của dân tộc Gié-Triêng. Khi thưởng thức các món ăn, người dân và du khách đều đánh giá cao với tình cảm chân thành, yêu quý.

Chị Nguyễn Nữ Trà My, du khách đến từ Gia Lai, cho biết chị may mắn khi được tham gia và trải nghiệm các hoạt động tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các Dân tộc vùng Tây Nguyên. Được trải nghiệm những nét văn hóa, ẩm thực của con người Tây Nguyên, chị rất tự hào khi mọi người và cộng đồng các dân tộc cùng nhau tạo nên bầu không khí sôi động, náo nhiệt, đậm đà bản sắc văn hóa. Đặc biệt nhất là các món ăn được 5 tỉnh Tây Nguyên trưng bày tại Ngày hội mang lại cho chị ấn tượng rất khó quên.

Đoàn nghệ nhân K’Ho, tỉnh Lâm Đồng, mang đến Hội thi các món ăn như cá lóc nướng, gà thả đồi, rau dớn rừng xào tỏi và các món xào lá bép. Nổi bật nhất là món da trâu nướng được đồng bào đầu tư rất nhiều công sức để chế biến được và chỉ được dùng khi có khách quý hoặc các dịp lễ quan trọng của dân tộc.

Nghệ nhân K’ Thế, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho biết để làm được món da trâu nướng, người dân phải phơi nắng trong vòng 6 tháng rồi mới tẩm ướp gia vị. Như vậy, những hương thơm mới có thể thấm vào lớp da trâu. Da trâu đem nướng hoặc nấu với cà đắng sẽ giúp hương vị thêm đậm đà và đọng lại lâu hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng có nền ẩm thực rất phong phú, đa dạng, gắn liền với đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Thông qua Hội thi, Ban Tổ chức mong muốn quảng bá đến đông đảo người dân những mâm cỗ truyền thống, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên.

“Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, có tính kế thừa sâu sắc và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử. Đó cũng là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây,” bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Những tuyệt tác thiên nhiên: Đánh thức Chư Mom Ray

Những tuyệt tác thiên nhiên: Đánh thức Chư Mom Ray

Ẩn mình giữa trùng điệp đại ngàn phía tây Kon Tum, Chư Mom Ray không chỉ là nơi bảo tồn nhiều loài thú quý hiếm, mà còn là kho báu thiên nhiên - văn hóa đặc sắc, chờ được đánh thức để trở thành điểm đến sinh thái hấp dẫn của Tây nguyên.

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

(GLO)- Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.