Kiên quyết thu hồi đất công bị lấn chiếm ở cụm công nghiệp tại Đak Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do chủ đầu tư bỏ bê dự án nên hàng chục ha đất công để xây dựng Cụm công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức đã bị lấn chiếm. Hiện nay, huyện Tuy Đức đang có nhiều động thái tỏ rõ quyết tâm thu hồi lại diện tích đã bị lấn chiếm trái phép này. 
 
Phần lớn diện tích đất sạch ở Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng tâm đã bị lấn chiếm để trồng cây cối và dựng nhà để ở. Ảnh: Phan Tuấn
Phần lớn diện tích đất sạch ở Cụm công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Quảng tâm đã bị lấn chiếm để trồng cây cối và dựng nhà để ở. Ảnh: Phan Tuấn
Đất sạch bị lấn chiếm
Theo UBND huyện Tuy Đức, về nguồn gốc, từ năm 2008 trở về trước khu đất Cụm công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Tuy Đức.
Từ tháng 2.2008 đến tháng 10.2010, UBND tỉnh Đak Nông đã tiến hành thu hồi 8.961,54ha đất của Công ty Lâm nghiệp Tuy Đức giao cho Nông lâm trường Cao su Tuy Đức quản lý. Trong đó, có 34,94ha đất được lập dự án triển khai xây dựng Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp Quảng Tâm.
Từ tháng 10.2010 đến ngày 31.1.2012, UBND tỉnh Đak Nông thu hồi 34,94ha đất này bàn giao cho UBND huyện Tuy Đức quản lý để thực hiện quy hoạch Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp Quảng Tâm. Từ tháng 2.2012 đến tháng 11.2019, khu đất thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận. 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp Quảng Tâm, Công ty Đại Gia Thuận không có biện pháp quản lý, bảo vệ diện tích đất được thuê, để cho người dân lấn chiếm toàn bộ diện tích; đồng thời để người dân sang nhượng trái phép khi chưa đủ điều kiện là hành vi vi phạm pháp luật. 
Từ tháng 11.2019 đến nay, UBND tỉnh Đak Nông đã tiến hành thu hồi khu đất giao cho UBND huyện Tuy Đức quản lý. Theo đó, xuyên suốt quá trình diện tích đất người dân đang chiếm dụng có nguồn gốc là đất công thuộc quyền sở hữu, sử dụng và quản lý của Nhà nước.
Như vậy, người dân đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật-lấn chiếm đất Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp Quảng Tâm và chuyển nhượng trái phép mà có.
Kết quả rà soát cho thấy, tổng diện tích đất bị các hộ dân lấn chiếm gần 32,3ha với 53 trường hợp. Trong đó, có 30 trường hợp xác định đối tượng, 23 trường hợp không xác định được đối tượng.
Kiên quyết thu hồi đất
Từ đầu năm 2022 đến nay, để xử lý tình trạng lấn chiếm đất, các ngành chức năng, địa phương, đoàn thể của huyện Tuy Đức và xã Quảng Tâm đã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặt khác, huyện Tuy Đức cũng giải quyết các đơn thư, kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan tới đất Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp Quảng Tâm theo đúng quy định của pháp luật.
Nhờ đó, đã có 4 hộ dân cam kết, tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng để trả lại đất cho địa phương với diện tích khoảng 2,8ha. 
Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, hiện nay, huyện đang đẩy mạnh việc tuyên truyền vận đồng người dân tự nguyện bàn giao lại mặt bằng. Nếu các hộ dân nào không chấp hành sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Theo kế hoạch của UBND huyện Tuy Đức, trong tháng 8.2022, huyện sẽ tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 23 trường hợp không xác định được đối tượng với diện tích 8,6ha.
Trong tháng 9.2022, UBND huyện Tuy Đức tiếp tục tổ chức cưỡng chế đối với 30 trường hợp lấn chiếm đất còn lại, với tổng diện tích 23,69ha.
Trước đó, Báo Lao Động đã có bài viết Doanh nghiệp bỏ bê dự án, đất sạch cụm công nghiệp biến thành... "đất tư" - Nội dung bài báo phản ánh, năm 2012, UBND tỉnh Đak Nông giao gần 35ha đất sạch cho doanh nghiệp làm dự án Cụm công nghiệp. Thế nhưng, sau đó, chủ đầu tư đã bỏ bê dự án để người dân lấn chiếm gần hết đất đai, hình thành cụm dân cư tự phát.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.