(GLO)- Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có hệ động-thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Vì thế, Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng đã triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý.
Hệ động-thực vật đa dạng, quý hiếm
Năm 1986, Khu BTTN Kon Chư Răng được đưa vào danh sách các khu rừng cấm quốc gia nhằm quản lý, bảo vệ chặt chẽ mọi tài nguyên thiên nhiên và kinh doanh du lịch. Tháng 3-2004, UBND tỉnh thành lập Khu BTTN Kon Chư Răng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Đến năm 2009, Khu BTTN Kon Chư Răng trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Khu BTTN Kon Chư Răng nằm ở địa phận xã Sơn Lang (huyện Kbang) có tổng diện tích tự nhiên 15.526 ha, trong đó, diện tích đất có rừng là 15.288 ha. Khu BTTN Kon Chư Răng có độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 98,5% (tăng 1,1%), diện tích rừng giàu tăng 2,9 lần, rừng nghèo, rừng non giảm 29,5 lần, đất trống giảm 2,4 lần, đất nông nghiệp giảm từ 62 ha xuống còn 6,7 ha so với trước khi thành lập.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam |
Đưa chúng tôi tham quan khu trưng bày hơn 1.000 bộ tiêu bản động-thực vật bậc cao phục vụ tham quan, nghiên cứu, ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng-cho hay: Với hệ động-thực vật đa dạng, phong phú và có nhiều loài quý hiếm như: ở hệ thực vật có loài ô rô bà, vù hương, dần toòng, trầm...; hệ động vật có loài voọc chà vá chân xám, hổ, sóc bay lông tay, vượn đen má vàng, tê tê Ja Va, báo lửa, mèo gấm, báo gấm, gấu ngựa... Khu BTTN Kon Chư Răng được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học. Đến nay, khu vực này đã ghi nhận 1.466 loài động-thực vật (phát hiện 12 loài mới cho khoa học như: Lasianthus konchurangensis; Psydrax gialaiensis...). Với hệ thực vật đã ghi nhận 875 loài (22 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 7 loài trong Sách đỏ quốc tế như: lan kim tuyến, lan kim tuyến tơ, thông tre lá ngắn, trắc, dương xỉ thân gỗ, giáng hương quả to, lát hoa, trầm...). Hệ động vật gồm: động vật hoang dã có xương sống (thú, chim lưỡng cư và bò sát) đã ghi nhận được 380 loài (80 loài thú; 228 loài chim; 38 loài bò sát; 34 loài lưỡng cư), trong đó có 64 loài nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế như: voọc chà vá chân xám, hổ, tê tê Ja Va, cầy mực, cầy bay, gấu ngựa, gà lôi trắng, hồng hoàng, niệc nâu, khướu đầu đen, rắn hổ chúa,… Hệ côn trùng có 211 loài (trong đó có 7 loài nằm trong danh mục cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia như: bọ hung ba sừng, bọ hung sừng chữ y, bướm chúa rừng nhiệt đới mưa, bướm phượng cánh chim liền. Hệ nấm đã ghi nhận 66 loài, trong đó có 5 loài mới ghi nhận lần đầu tại Việt Nam.
Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng kiểm tra những mẫu vật trong nhà lưu trữ. Ảnh: Lê Nam |
Để bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn gen quý, Ban Quản lý Khu BTTN phối hợp với các tổ chức nghiên cứu, phân tích nguy cơ xâm hại và cô lập diệt trừ các loài ngoại lai xâm phạm Khu bảo tồn. Đồng thời, đơn vị đã thu thập, trưng bày hơn 1.000 bộ tiêu bản động-thực vật bậc cao phục vụ tham quan, nghiên cứu và xây dựng vườn ươm rộng hơn 600 m2 để gieo ươm những loài cây nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu.
Bảo vệ rừng để bảo tồn đa dạng sinh học
Những năm qua, Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nổi bật là giải quyết tốt vấn đề chồng lấn đất, sản xuất nương rẫy luân canh trên đất quy hoạch rừng đặc dụng giao cho đơn vị quản lý. Phát huy tinh thần làm chủ rừng thật sự, từng công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phụ trách đến từng tiểu khu cụ thể. Mỗi trạm kiểm lâm đều có sổ tay công tác trạm và sổ tay tiểu khu cho công chức, viên chức để thực hiện nhiệm vụ được giao. Anh Nên-Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Đak Hla-cho biết: “Để bảo vệ diện tích rừng được giao, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ chính đó là tăng cường tuần tra hàng ngày, tuyên truyền đến người dân không được vào Khu BTTN phá rừng làm nương rẫy và kiên quyết không cho người dân phát lại nương rẫy cũ, không săn bắt thú rừng tại Khu BTTN”.
Từ năm 2005, Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng đã làm hồ sơ ranh giới và tổ chức cắm mốc, ký xác nhận của từng chủ rừng, địa phương giáp ranh. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các giáo cụ trực quan về những quy định của pháp luật đối với Khu bảo tồn đến từng hộ dân, trong các trường học, thôn, làng. Bà Đinh Ngơi-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường (Khu BTTN Kon Chư Răng) cho biết: Trung tâm thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và học sinh ở các trường vùng đệm; kết hợp với phương tiện máy chiếu, tài liệu, tranh ảnh, pa nô, bảng tam giác, bảng nội quy để tuyên truyền đến tận nhà văn hóa thôn, trường học nhằm truyền tải những thông điệp về rừng, đa dạng sinh học cho người dân và các em học sinh biết. Nhờ đó, nhận thức về rừng của người dân vùng đệm được nâng cao, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, đến đa dạng sinh học của Khu BTTN.
Chị Đinh Ngơi-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường kiểm tra những mẫu vật trong nhà lưu trữ của Khu BTTN. Ảnh: Lê Nam |
Bên cạnh đó, đơn vị giải quyết tốt vấn đề tranh chấp, chồng lấn đất với người dân vùng đệm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và thu hút người dân vùng đệm, nhất là người dân tộc thiểu số vào làm việc tại Khu BTTN. Tất cả 5 thôn, làng vùng đệm đều được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng của Khu BTTN theo hình thức giao khoán nhóm hộ và cộng đồng với 291 hộ Bahnar, hộ Kinh nghèo nhận khoán bảo vệ rừng. Ông Đinh Xoal-Trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng làng Hà Lâm (xã Sơn Lang, huyện Kbang) cho hay: “Nhóm chúng tôi có hơn 80 hộ nhận khoán với Khu BTTN Kon Chư Răng bảo vệ 1.500 ha rừng. Chúng tôi chia làm nhiều nhóm khoảng 3-5 người, thay phiên nhau hàng ngày đi vào rừng để kiểm tra, không để người dân vào Khu BTTN phá rừng làm nương rẫy, săn bắt thú rừng, khai thác gỗ; đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền người thân trong gia đình, dòng họ và dân làng chung tay bảo vệ tài nguyên quốc gia, bảo vệ tài nguyên rừng để cho con cháu mình sau này”.
Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng cho biết thêm: “Muốn bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen quý trước hết phải làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các hệ động-thực vật. Đó là phương châm nằm lòng của các cán bộ, nhân viên, người lao động tại Khu BTTN Kon Chư Răng. Đồng thời, nâng cao công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân”.
LÊ NAM