Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ.
Mở lại giao thông và đưa đón người về quê là 2 nội dung chính được tập trung bàn thảo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với 63 tỉnh, TP diễn ra hôm qua (9.10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
|
Các địa phương không được để giao thông tắc nghẽn. Ảnh:Lê Lâm |
Hơn 1 tuần qua có 180.000 người về quê
Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ đạo, từ ngày 1.10 đến hôm qua, tại 43 tỉnh, TP đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó 1.031 người có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.
Nhiều địa phương tiếp tục hỗ trợ đón dân về quê
* PV Thanh Niên tiếp sức người dân
UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp Tập đoàn Phương Trang (vận chuyển miễn phí) triển khai kế hoạch đón 3.130 người dân đang mắc kẹt tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu về quê. Theo đó, đợt 1 tổ chức vào sáng 9.10 đã đón 2.016 người dân trở về Lâm Đồng. Với sự hỗ trợ vận chuyển miễn phí bằng xe buýt của Tập đoàn Phương Trang, tỉnh Bạc Liêu đón 380 người dân từ TP.HCM trở về; tỉnh Đồng Tháp đón 220 người dân mắc kẹt ở Bà Rịa-Vũng Tàu trở về an toàn.
Cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã thành lập tổ công tác vào TP.HCM và các tỉnh phía nam đón hơn 1.000 công dân trở về quê theo nguyện vọng.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Thanh Niên, trong ngày 9.10, lượng người đi xe máy về các tỉnh miền Tây đã “hạ nhiệt” so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, áp lực về đón tiếp, sinh kế vẫn chưa giảm.
* Chiều tối 9.10, PV Thanh Niên phối hợp thượng tọa Thích Vân Pháp, trụ trì chùa Từ Vân (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) trao tặng chiếc xe máy mới trị giá 13,5 triệu đồng, giúp cho anh Nguyễn Văn Đông (30 tuổi, trú P.Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) tiếp tục hành trình về quê. Các chiến sĩ CSGT cũng đã mua tặng anh Đông chiếc điện thoại cùng ít tiền lộ phí.
Do không có việc làm, không thể bám trụ lại TP.HCM thêm nữa, anh Đông đã trải qua 7 ngày ròng rã đạp xe về quê. Khi đến được địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế, thấy anh không còn sức để tiếp tục hành trình, các cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an tỉnh đã hỗ trợ ăn uống, nghỉ ngơi để tìm phương tiện gửi anh Đông ra bắc.
Từ 7 - 9.10, PV Thanh Niên thường trú tại tỉnh Quảng Trị đã vận động kinh phí 290 triệu đồng để tặng quà, hỗ trợ tiền cho bà con khó khăn từ phía nam về quê ngang qua địa bàn Quảng Trị. Thanh Niên |
Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là nguy cơ từ số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo nếu chủ quan, lơ là.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho người dân. Theo Thủ tướng, vừa qua công tác này có một số trục trặc, nhưng các địa phương đã rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc |
Tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp
Một nội dung quan trọng khác được thảo luận là việc khôi phục lại giao thông để mở cửa nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các địa phương cần phối hợp với các bộ, ngành để mở lại giao thông liên tỉnh, không để giao thông vận tải là điểm nghẽn, không “ngăn sông cấm chợ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. “Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, không để mỗi địa phương làm một kiểu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan việc khôi phục sản xuất, Thủ tướng nhắc lại nguyên tắc cao nhất là sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất. Thủ tướng giao Bộ Y tế và các cơ quan khẩn trương hướng dẫn về điều kiện an toàn trên tinh thần tăng tính tự chủ, chủ động, nêu cao trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp; kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Sẽ không đóng cửa chợ, nhà hàng ngay cả ở vùng dịch nguy cơ rất cao
Tại cuộc họp hôm qua, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo) cũng đã được đưa ra lấy ý kiến.
Dự thảo có 2 tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch là số ca nhiễm mới tại cộng đồng và tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, có 3 tiêu chí điều chỉnh cấp độ dịch: địa phương có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, đảm bảo số giường hồi sức cấp cứu đạt tối thiểu 2% tổng số ca mắc mới; 100% trạm y tế xã, phường có ô xy y tế và 100% quận, huyện thiết lập trạm y tế lưu động; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm chủng tối thiểu đạt 80%…
Việc phân loại cấp độ dịch được chia làm 4 cấp. Cấp 1 là vùng nguy cơ thấp; cấp 2 là nguy cơ trung bình; cấp 3 là nguy cơ cao và cấp 4 là nguy cơ rất cao.
Từ đó, dự thảo đưa ra các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ. Ví dụ như với hoạt động tập trung trong nhà và ngoài trời, cấp 1 sẽ không giới hạn số người, cấp 2 dưới 30 người hoặc 100 người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Hay với hoạt động giao thông công cộng, cấp 4 sẽ phải dừng hoạt động; các vùng còn lại đều được hoạt động song phải giảm công suất ở cấp 2 và 3, còn cấp 1 hoạt động bình thường.
Trong khi đó, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch, song phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Ví dụ định kỳ hằng tuần phải đánh giá nguy cơ lây nhiễm với vùng cấp 4, cấp 3.
Dự thảo nghị quyết cũng cho các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch, người lao động và khách được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, với nhà hàng, quán ăn, cấp 4 chỉ được bán mang đi, cấp 3 được hoạt động nhưng giảm 50% lượng khách (trong tổng số khách thường có) tại cùng một thời điểm; cấp 2 giảm 30% lượng khách. Chí Hiếu |
Theo CHÍ HIẾU (TNO)