Khi xuân vừa chớm…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đang ngồi với một buổi sớm mai chớm xuân, trong tâm thế vô cùng thảnh thơi của những ngày Tết cổ truyền. Vừa cách đây vài giờ đồng hồ, mọi người còn tất bật lo thu xếp nốt những việc dở dang để đón Giao thừa. Thế mà trong buổi sớm mai trong lành này, thời khắc ấy đã thuộc về... năm ngoái. Nghe thổn thức cũ xưa, xa ngái, dặm dài...

Vừa hôm qua còn phải khoác thêm chiếc áo ấm để ra chợ sớm, vậy mà hôm nay khí trời đã khác hẳn. Những tia nắng mùa xuân mảnh như tơ, nhẹ như hơi thở, ấm áp như một cái nắm tay siết nhẹ dành cho nhau. Không gian phảng phất, dìu dịu hương hoa. Mùa xuân mà, nhìn chỗ nào cũng rực rỡ những sắc hoa. Tôi thắp một nụ trầm, khói trầm nhẹ lan vào buổi sớm mai xuân an yên thư thái. Một người bạn đăng những bức ảnh lên Facebook với dòng trạng thái: “Tết sum vầy, Tết đoàn viên đủ đầy, chỉ có thể là Tết”. Tay tôi vô thức soạn một lời bình luận ấm áp chúc mừng sự đoàn viên của đại gia đình bạn. Lòng tôi tự nhiên dâng lên niềm hạnh phúc, như thể mình cũng được góp mặt trong sự đoàn viên ấy và niềm vui sum vầy đã lan tỏa sang tôi.


 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Ti vi đang phát bài hát “Bonjour Vietnam” trong một chương trình dành cho người Việt xa xứ, kèm theo lời bài hát là những hình ảnh tiêu biểu nhất về quê hương Việt Nam. Tôi cũng có những người họ hàng đang sống xa xứ. Chúng tôi xa nhau đã hơn một phần tư thế kỷ, từ khi còn là những đứa trẻ. Giờ đây, những đứa trẻ chúng tôi sinh ra đã lớn hơn cả chúng tôi lúc xa nhau. Năm nào các em tôi cũng quay những video các hoạt động đón Tết cổ truyền của người Việt nơi các em sinh sống để gửi về quê nhà.
Nhờ có mạng xã hội mà những khoảng cách xa xôi được kéo gần lại, nhưng chẳng gì có thể lấp đầy ánh mắt thăm thẳm của cậu mợ tôi những ngày Tết như thế này. Ai đó nói nên bỏ Tết, không nên bày vẽ nọ kia, nhưng tôi tin số ấy không nhiều. Cứ nhìn vào những tấm ảnh sum họp gia đình với những nụ cười rạng rỡ sau những thăm thẳm đợi chờ của những người thân yêu mà xem, lòng bạn tự nhiên sẽ ngân nga những niềm vui dù có thể nó chẳng thuộc về mình.

Bạn tôi kể, con bạn đang học bậc THPT, cháu đòi người lớn dạy gói bánh chưng và thức đêm ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh để trải nghiệm không khí Tết. Kể với tôi điều ấy, mắt bạn lấp lánh vui, niềm vui khó tả thành lời. Những năm gần đây, thấy mọi người tìm đến những người viết thư pháp để xin chữ về treo trong nhà ngày một nhiều, bên bàn thờ nhiều gia đình lại thấy đôi câu đối đỏ. Vậy là, văn hóa cổ truyền đang dần được người ta tìm về. Dẫu còn mờ nhạt, nhưng những điều ấy như nốt nhạc vui réo rắt trong lòng kẻ hay ngoái vọng cũ xưa như tôi trong những ngày chớm xuân như thế này.

Tôi luôn biết ơn tận lòng mình cuộc sống mến thương này, bởi tôi luôn được quẩn quanh bên cha mẹ tôi và người thân. Tôi không phải bôn ba vất vả tha hương xứ người vì miếng cơm manh áo. Mỗi một mùa xuân đi qua, cha mẹ tôi già đi, con cái tôi lớn lên, được nhìn ngắm họ, tôi lại thấy lòng rộng rãi hơn để nghĩ về mọi điều xung quanh mình. Tuổi trẻ bồng bột nhưng căng tràn ước mơ hoài bão. Người già chín chắn nhưng sức khỏe vợi bớt. Thời điểm nào con người cũng có những mặt mạnh yếu khác nhau. Biết phát huy điểm mạnh, tiết chế những khiếm khuyết sẽ thấy cuộc đời ngập tràn những mùa xuân.

Bài hát vẫn ngân nga những giai điệu kèm theo những hình ảnh thật đẹp. Và xung quanh tôi, mùa xuân vừa chớm gõ cửa, nhưng đã thật rộn ràng...

Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.

Bản hòa ca cùng triền ký ức

Bản hòa ca cùng triền ký ức

(GLO)- Dù đã có hơn 30 năm sống ở Pleiku nhưng khi đọc tập “Vân môi say phố” của Ngô Thanh Vân (NXB Hội Nhà văn, 2024), tôi lại có cảm tưởng được khám phá một miền đất tưởng chừng quá đỗi quen thuộc.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Lá cỏ hát thơ

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Lá cỏ hát thơ

(GLO)- Bài thơ "Lá cỏ hát thơ" của Nguyễn Ngọc Hưng đã khắc họa hình ảnh cỏ như một biểu tượng của sự kiên cường dù phải trải qua nhiều gian khó, đớn đau. Qua đây, tác giả muốn truyền tải thông điệp về sự bền bỉ, lòng yêu thương và tinh thần vượt qua khó khăn của con người trong mọi hoàn cảnh.

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

(GLO)- Độc đáo, sáng tạo, ý nghĩa là những đánh giá chung về hơn 300 bức tranh của các tác giả “nhí” gửi về tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp do Hội đồng Đội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phát động gần 1 tháng qua.