Khách hàng "nắm đằng lưỡi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với một đô thị hơn 10 triệu dân như TP HCM mà gọi ôtô dịch vụ, taxi rất khó khăn thì quả là chuyện lạ. Lạ hơn nữa là chuyện này đã trở thành bình thường vì diễn ra thường xuyên!

Đặt ôtô dịch vụ có khi không tới, gọi taxi truyền thống cũng phải chờ, đón xe ở sân bay thì rồng rắn tranh đua... Khách hàng là thượng đế thì nay đã đảo chiều. Các ông chủ cung ứng muốn sao được vậy, khách hàng hãy chờ hoặc tự lo.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên không có gì mới mẻ, bởi các nhà quản lý đã thấy từ khi những dịch vụ này vừa xuất hiện. Đó là tình trạng cát cứ và các ông chủ đã nắm được thị trường, trong khi cơ quan chức năng thiếu công cụ quản lý và điều tiết.

Đặc thù loại hình ôtô dịch vụ ở ta hầu hết là xe tư nhân. Khi tỉ lệ ăn chia với chủ doanh nghiệp và người cung ứng công nghệ bất đồng, tài xế thường chọn phương án ngừng chạy để thương lượng. Khi giá nhiên liệu, phí cầu đường, bến bãi tăng cũng thế, luôn xảy ra tình trạng bỏ chuyến, tăng giá vô tội vạ. Trong khi đó, lúc thương thảo thì quyền lợi của khách hàng bị mặc kệ mà quên rằng họ mới chính là người trả tiền cho cả hai.

Lý do để lấp liếm tình trạng này đã được các ông chủ nêu ra, khá đơn giản: tài xế về quê, lượng xe giảm, nhu cầu đi lại tăng cao... Khó ai bắt bẻ được, các cơ quan chức năng cũng không có biện pháp chấn chỉnh.

Về lý thuyết, khách hàng có một quyền rất lớn, đó là lựa chọn hoặc từ chối dịch vụ. Thế nhưng, khi nhu cầu đi lại cấp bách mà bị vây bủa bởi hàng loạt lý do tùy ý, khách hàng lâm vào thế kẹt và đành phải chịu một mức giá mới, phải sử dụng dịch vụ mà mình không vừa ý. Trong việc này, khách hàng bị đẩy về phía bất lợi và phải "nắm đằng lưỡi".

Xe dịch vụ, taxi có mặt ở khắp nơi, vậy các nước làm cách nào để quản lý tốt và bảo vệ được quyền lợi của khách hàng? Đơn cử ở Nhật, họ không đồng ý để xe tư nhân tham gia vận tải dịch vụ qua nền tảng công nghệ. Hãng xe công nghệ ở Nhật phải hợp tác với các hãng taxi có lượng xe rất lớn và ổn định. Quyền lợi khách hàng luôn được bảo đảm qua các hãng này. Các ông chủ hãng xe công nghệ không thể thao túng khách hàng bằng cách tạo sự khan hiếm giả hoặc tùy tiện nâng quyền lợi của mình. Qua đó, cơ quan thuế quản lý được nguồn thu, giám sát được dòng tiền, bảo vệ được quyền lợi khách hàng và gián tiếp bảo vệ quyền lợi của tài xế.

Nhiều nước còn có giải pháp căn cơ hơn, là hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Các trạm xe buýt, tàu điện ngầm đều có mặt ở sân bay, nhà ga, khu tập trung đông người. Khách hàng có đầy đủ quyền lựa chọn nếu xe dịch vụ, taxi có vấn đề. Cách này cũng loại bỏ được tình trạng cát cứ, sân sau của các ông chủ hãng xe không minh bạch.

Ngày nay, không còn chỗ cho việc đổ thừa hoàn cảnh, lĩnh vực giao thông cũng vậy. Nhu cầu đi lại tăng cao là điều đáng mừng, bởi nó cho thấy tốc độ của sự vận hành kinh tế - xã hội ngày càng mạnh. Muốn hưởng thành quả của tốc độ vận hành này thì phải chuẩn bị mọi điều kiện cho nó phát triển. Và, xe dịch vụ hay taxi chỉ là một phép thử nhỏ.

Theo PHẠM HỒ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trách nhiệm với cơ sở

Trách nhiệm với cơ sở

Nhiều cán bộ công an cấp phòng, cấp huyện xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho Đề án “Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Lãi vay thấp, thời hạn vay dài là điều kiện quá tốt để người trẻ nói riêng và người có thu nhập thấp nói chung sở hữu một chỗ an cư. Thế nhưng chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa thì cung - cầu trên thị trường bất động sản mới có thể gặp nhau.

Đứng về phía người nghèo

Đứng về phía người nghèo

(GLO)- Trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải hoàn thành trong năm 2025, Trung ương tập trung tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh và phát động các phong trào thi đua. 

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản năm qua là một trong những mảng sáng của bức tranh kinh tế đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Là năm tăng tốc, về đích trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và khởi động cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, thế nên tết năm 2025 đã diễn ra hết sức đặc biệt.