Kbang cần tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 6-5, đoàn công tác do ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020" tại huyện Kbang.
Tham gia đoàn giám sát còn có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo UBND huyện Kbang, trong giai đoạn 2016-2020, được sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện trên mọi lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, tái canh cà phê, phát triển trồng rừng sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch bệnh; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; thúc đẩy liên kết sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm...
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Kbang. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Kbang. Ảnh: Quang Tấn
Trong 5 năm, huyện đã thực hiện trồng tái canh cà phê đạt 852,1 ha; đã có 4,4 ha cây rau các loại được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP (lũy kế đến năm 2021, toàn huyện có 29,8 ha rau, cây ăn quả được chứng nhận VietGAP). Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện chuyển đổi 42,5 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và hơn 1.707 ha diện tích mía kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, huyện đã ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng nhằm tạo tiền đề hình thành các khu, vùng sản xuất tập trung; diện tích ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước đến cuối 2020 là 523,9 ha. Toàn huyện hiện đã hình thành được 23 cánh đồng lớn với tổng diện tích 708,83 ha cây trồng. Nhờ đó, việc liên kết sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt ngày càng được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có trên 11.150 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp. 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã và đang phát triển theo hướng chuyển dịch dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp; chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, hạ tầng thiết yếu về giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư đồng bộ; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Đến nay, huyện đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt được 17,3 tiêu chí/xã. Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, từng bước tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 5 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh những mặt đạt được, lãnh đạo UBND huyện Kbang cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương. Cụ thể, thị trường tiêu thụ bấp bênh; còn tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát, rủi ro cao. Công nghệ chế biến nông-lâm-thủy sản đa số dừng lại ở giai đoạn sơ chế, việc đầu tư chế biến sâu còn ít; chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn thấp; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang còn thấp so với tổng diện tích canh tác. Công tác quản lý bảo vệ rừng được thực hiện tốt, song tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Cùng với đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện trên lĩnh vực nông nghiệp chưa được nhiều. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng thiếu bền vững.
Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại tại chăn nuôi bò của Công ty cổ phần Diên Hồng (xã Tơ Tung). Ảnh: Quang Tấn
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại trại chăn nuôi bò của Công ty cổ phần Diên Hồng (xã Tơ Tung). Ảnh: Quang Tấn
Huyện Kbang cũng đề nghị Trung ương, tỉnh qua tâm đầu tư công trình thủy lợi có quy mô lớn trên địa bàn như thủy lợi suối Lơ, thủy lợi Djang để giải quyết nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất tại các xã phía Nam huyện, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng và thu nhập. Cùng với đó, đề nghị tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư 1 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ hạt mắc ca; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp thực hiện liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đã ghi nhận những kết quả đạt được của huyện qua 5 năm triển khai Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt, huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao, được thị trường ưa chuộng vào sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập và thay đổi đáng kể hoạt động nông nghiệp của huyện. Đồng thời, đề nghị huyện Kbang cần quan tâm tháo gỡ một số bất cập, khó khăn đang ảnh hưởng đến tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Trong đó cần quan tâm tháo gỡ từ cơ chế, chính sách đến chú trọng đưa các bộ giống chất lượng vào sản xuất cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đối với vùng không có công trình thủy lợi như xã Kông Pla, Đak Hlơ… thì cần nghiên cứu phương án đưa nước từ sông Ba, các vùng lân cận hoặc đầu tư đào ao, hồ chứa nước để tưới các diện tích cây trồng. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng gần rừng để bà con có cơ hội phát triển kinh tế dưới tán rừng…
Trước đó, đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã nông nghiệp và mô hình trồng cây ăn trái hộ gia đình. Cụ thể, đoàn đã đến khảo sát tại Công ty cổ phần Diên Hồng (xã Tơ Tung) đang nuôi khoảng 1.500 con bò thương phẩm và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Ba (xã Đak Hlơ). Tại các nơi đến, đoàn đã nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cũng như những khó khăn, vướng mắc để có hướng tháo gỡ trong thời gian tới. 
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.