Ia Rbol phát huy vai trò Mặt trận trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với các hoạt động hướng về cơ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Đảm bảo an sinh xã hội

Xác định công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ thường xuyên, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rbol đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động vì người nghèo; trong đó chú trọng huy động nguồn lực xã hội xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ sinh kế, nhu yếu phẩm, tạo động lực giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Để hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, ngay từ đầu năm, Mặt trận phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể rà soát thực trạng, phân loại hộ nghèo theo các nhóm đối tượng, theo nhóm nguyên nhân và phân loại hộ nghèo theo thời gian để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp.

Lãnh đạo BIDV Phố Núi hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa cho hộ bà Nay H'Đim (bìa trái) và chị Nay H'Blot (cùng ở buôn Rưng Ma Nhiu). Ảnh: V.C

Lãnh đạo BIDV Phố Núi hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa cho hộ bà Nay H'Đim (bìa trái) và chị Nay H'Blot (cùng ở buôn Rưng Ma Nhiu). Ảnh: V.C

Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã làm cầu nối hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 150 triệu đồng, trong đó 2 căn nhà do BIDV Phố Núi tài trợ và 1 căn do Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại, 3 căn nhà đều đã hoàn thành và được bàn giao cho các gia đình. Đón nhận niềm vui nhà mới có gia đình bà Nay H'Đim (buôn Rưng Ma Nhiu). Bà H'Đim tuổi đã cao, sức đã yếu, lại neo đơn; nhà có 800 m2 đất ruộng cho người làng thuê đổi lấy lúa nên không tránh khỏi khó khăn. Căn nhà trước đây xiêu vẹo, mưa tạt, gió lùa từ lâu nhưng bà không có khả năng sửa sang, xây mới. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của bà H'Đim, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã đề nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới. Tháng 10 vừa qua, căn nhà có diện tích hơn 40 m2 với kinh phí 50 triệu đồng do BIDV Phố Núi tài trợ được bàn giao trong niềm vui mừng khôn tả của bà H'Đim. Hạnh phúc xen lẫn xúc động, bà H'Đim nắm chặt tay đại diện nhà tài trợ, chính quyền địa phương và Mặt trận các cấp để tỏ lòng biết ơn. “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có được ngôi nhà vững chãi này để ở”-bà H'Đim trải lòng.

Cũng thuộc diện hộ nghèo nhưng tiêu chí thiếu hụt của gia đình chị Rah Lan HBin (buôn Rưng Ma Nin) là thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã lập danh sách đề xuất cấp trên hỗ trợ gia đình chị sinh kế làm phương tiện sản xuất; đồng thời, tuyên truyền, vận động vợ chồng chị mạnh dạn đi làm công nhân tại các tỉnh phía Nam để có thêm thu nhập. Gia đình chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Ý thức mình còn trẻ, còn sức lao động, phải cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo, 2 tháng sau khi nhận bò, chị HBin gửi lại cho ba mẹ nuôi giúp còn 2 vợ chồng quyết định vào Đồng Nai làm công nhân. Có quyết tâm ắt gặt hái được kết quả, cuối năm 2023, gia đình chị HBin đã thoát nghèo.

Ông Nay Nhơm-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Rưng Ma Nin-cho biết: Năm 2023, thông qua kết nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các hộ nghèo của buôn được hỗ trợ 2 con bò sinh sản và 1 căn nhà “Đại đoàn kết”. Các hộ được hỗ trợ đều có sự chuyển biến trong nhận thức, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, vươn lên thoát nghèo cuối năm 2023. Hiện buôn chỉ còn 5 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo, giảm 6 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo so với đầu năm. Buôn cũng hoàn thành tất cả 19 tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới.

Anh Ksor Ngơn-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-chia sẻ: “Mỗi ngôi nhà, mỗi sinh kế trao cho người nghèo là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một điểm là đã góp phần tiếp thêm động lực để các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo. Đối với những người làm công tác Mặt trận, đây là động lực để chúng tôi làm tốt hơn vai trò “cầu nối” giữa những tấm lòng nhân ái với người nghèo; qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, tạo được niềm tin, động lực giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống”.

Giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Xã Ia Rbol có 7 thôn, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Tuy xã đã về đích nông thôn mới vào năm 2018, song qua khảo sát, một số hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, đông người ăn theo, trình độ dân trí thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tâm lý trông chờ, ỷ lại, thiếu sự chủ động vươn lên trong cuộc sống của nhiều hộ còn nặng nề.

Người dân buôn Rưng Ma Nin cải tạo vườn tạp trồng rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày. Ảnh: V.C

Người dân buôn Rưng Ma Nin cải tạo vườn tạp trồng rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày. Ảnh: V.C

Trước thực tế đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã quyết tâm đẩy mạnh cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, Mặt trận chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể linh hoạt áp dụng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập trung hướng về cơ sở. Cán bộ tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ vận động sinh đẻ có kế hoạch, biết tiết kiệm trong chi tiêu, không lãng phí trong ma chay, cưới hỏi, hướng dẫn cách đầu tư trồng trọt, chăn nuôi; chọn những hộ có kinh nghiệm sản xuất, quyết tâm thoát nghèo, xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi điểm để sau đó cho các hộ khác tham quan, học tập. Cùng với đó, tranh thủ sự ủng hộ của già làng, người có uy tín trong cộng đồng để vận động bà con từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tiếp thu cái tốt, tiến bộ từ chính cộng đồng mình. Cách làm trực quan sinh động “nhìn tận mắt, nghe tận tai” đã tác động mạnh mẽ đến nếp nghĩ, cách làm của bà con. Nhiều hộ nghèo sau đó đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Tập quán sản xuất cũ được thay đổi bằng việc chú trọng thâm canh, sử dụng giống mới năng suất cao, chất lượng tốt.

Gia đình ông Siu Điêm (buôn Rưng Ma Nin) là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi vật nuôi. Năm 2015, sau khi tham quan mô hình chăn nuôi dê của một người bạn tại huyện Chư Sê, ông đã mạnh dạn mua 3 con dê giống trị giá 9 triệu đồng về gây đàn. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê nhanh chóng phát triển, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Hiện ông duy trì đàn dê 15 con; cứ khoảng 6 tháng xuất bán 1 lần. Ông Điêm chia sẻ: “Cách đây 1 tuần, tôi vừa bán 4 con dê thịt với giá 3 triệu đồng/con. Tiền bán dê tôi đầu tư mua máy nghiền cám trị giá 10 triệu đồng để cung cấp thêm tinh bột giúp dê tăng sức đề kháng, mau lớn. Có máy nghiền cám, gia đình tận dụng nông sản có sẵn như mì, bắp, lúa làm thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm chi phí đầu tư vừa phát triển đàn vật nuôi, tăng thêm thu nhập”.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Rơcom Bình Nguyên, quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gặp phải nhiều khó khăn. Tập quán của bà con hình thành lâu đời nên không thể ngày một, ngày hai có thể thay đổi ngay được mà phải kiên trì theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” và phải có cách làm hợp lý, phù hợp với từng thôn, buôn, từng đối tượng. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử của xã, đặc biệt tận dụng sự phát triển của mạng xã hội, đăng tải gương người tốt, việc tốt, sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động cũng như tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Quỹ “Vì người nghèo”, lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án, tạo sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội trong việc chăm lo cho người nghèo, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Nay Pôl-Phó Chủ tịch UBND xã-nhìn nhận: “Công tác dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Xuất phát từ thực tế địa phương, trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, Mặt trận đã chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương; triển khai đồng bộ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, Quỹ “Vì người nghèo” và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2023, công tác giảm nghèo của xã đạt được những kết quả tích cực. Theo số liệu rà soát sơ bộ, xã còn 39 hộ nghèo, chiếm 3,75%, giảm 35 hộ nghèo so với đầu năm và 76 hộ cận nghèo, chiếm 7,31%, giảm 14 hộ so với đầu năm. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.