Ia Grai: Ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở các xã, thị trấn. Các tuyến đường giao thông nông thôn từng bước được bê tông hóa, nhựa hóa đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Bê tông hóa đường làng, ngõ xóm

Điều khiển xe máy chạy bon bon trên con đường bê tông phẳng lì chạy ngang làng, anh Rơ Châm Tâm (trú tại làng Nang, xã Ia Tô) hồ hởi chia sẻ: “Trước đây, bà con làng mình rất khổ với con đường này. Mùa nắng thì bụi bay mù trời, còn mưa thì con đường trở nên lầy lội, trơn trượt và chi chít ổ gà, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nay con đường được Nhà nước đầu tư kinh phí bê tông hóa nên bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện”.

Tương tự, người dân thôn 1 (xã Ia Hrung) cũng phấn khởi khi đường giao thông nội thôn được bê tông hóa, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông Lê Quang Dũng-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1-cho biết: Cuối năm 2022, xã đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp gần 2 km đường nhựa ngang qua thôn. Còn mới đây, xã đưa vào sử dụng tuyến đường giao thông ngang qua xóm 3 và 4. Con đường này được làm mới theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tổng kinh phí làm đường hơn 900 triệu đồng, trong đó, người dân đóng góp hơn 370 triệu đồng.

Đến nay, khoảng 95% đường giao thông trong thôn và cả đường nội đồng đã được bê tông hóa và nhựa hóa. Bà con trong thôn rất vui mừng khi hệ thống giao thông ngày càng được đầu tư khang trang, sạch sẽ hơn. Chưa kể khi đường giao thông vừa làm xong, nhiều hộ tự nguyện mắc bóng đèn chiếu sáng dọc hai bên đường không chỉ giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa buổi tối thuận tiện hơn mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Đường giao thông liên thôn ở xã Ia Hrung được bê tông hoá 100%. Ảnh: Thiên Di

Đường giao thông liên thôn ở xã Ia Hrung được bê tông hoá 100%. Ảnh: Thiên Di

Ông Lê Công Phú-Chủ tịch UBND xã Ia Hrung-cho hay: “Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn đã được cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí nhựa hóa 100%. Điều này không chỉ giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi mà giúp kết nối thông thương với các địa phương khác trong huyện. Hiện xã còn khoảng 10 km đường giao thông nội thôn ở 7 thôn, làng chưa được bê tông hóa nhưng đã đổ cấp phối. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề ra mục tiêu phấn đấu bê tông hóa dần các tuyến đường này”.

Tiếp tục đầu tư cho giao thông nông thôn

Theo bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai: Thời gian qua, xã được UBND huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Đầu tháng 6-2023, tuyến đường nối xã Ia Khai với xã Ia Krai được nâng cấp với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn xã, lượng phương tiện lưu thông hàng ngày rất nhiều. Đường được nâng cấp giúp cho việc lưu thông thuận tiện, nhanh chóng hơn.

“Riêng năm 2023, xã được huyện đầu tư hơn 14 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó có gần 7 tỷ đồng làm đường giao thông ở các thôn, làng. Chúng tôi đang triển khai thi công đường giao thông nối từ làng Nú xuống bến đò A Sanh với mức đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng. Hy vọng khi hoàn thành, con đường này sẽ góp sức cho việc phát triển du lịch ở xã”-bà Lương cho biết.

Còn theo ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O: Hiện nay, về cơ bản, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được cứng hóa, bê tông và nhựa hóa. Những năm qua, huyện rất quan tâm đầu tư cho xã để nâng cấp các tuyến đường giao thông ở các thôn, làng nhằm phục vụ tốt hơn việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân. Như năm 2022, huyện đầu tư 700 triệu đồng nâng cấp đường giao thông ở làng Cúc. Năm nay, UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 700 triệu đồng để làm đường giao thông ở làng O. Xã đang triển khai các phần việc để chuẩn bị khởi công tuyến đường này. Ngoài ra, xã cũng đang trình huyện xem xét đầu tư làm đường giao thông nội làng Lân trong năm 2023.

Đường giao thông làng Nang (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Thiên Di

Đường giao thông làng Nang (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Thiên Di

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Năm 2023, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn hơn 58 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới khoảng 49 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, các xã, thị trấn sẽ đầu tư làm đường giao thông nội thôn, làng và hàng rào, sân bê tông, mương thoát nước của các nhà văn hóa. Trong đó, nguồn vốn phân bổ để làm đường giao thông nông thôn khoảng 37 tỷ đồng. Huyện cũng đang đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí để nâng cấp một số tuyến đường liên xã đã xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân như: đường từ thị trấn Ia Kha đi xã Ia Grăng, đường từ xã Ia Yok đi xã Ia Sao, đường từ xã Ia Tô đến xã Ia Pếch và đường từ xã Ia O qua huyện Đức Cơ.

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại Hà Nội. Ảnh NAM TRẦN. Nguồn TTO

Lắp điện mặt trời mái nhà công suất dưới 1.000 kW có thể không phải đăng ký

(GLO)- Theo dự thảo Nghị định quy định chính sách, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, những tổ chức, cá nhân trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 1.000 kW (1 MW) không phải đăng ký công suất với Sở Công thương.