Ia Grai: Tăng cường thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người dân, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã đầu tư xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng tại các cánh đồng lúa và vườn cà phê, hồ tiêu.
Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Ia Grai-cho biết: Trước đây, sau mỗi lần sử dụng thuốc BVTV, người dân thường vứt bao bì đựng thuốc bừa bãi ở các khe suối, gốc cây hay bên vệ đường, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2017 đến nay, huyện Ia Grai đã đầu tư 1,8 tỷ đồng xây dựng 376 bể chứa bao bì thuốc BVTV (mỗi bể có thể  tích 1 m3) đặt tại các cánh đồng lúa và các vườn cà phê, hồ tiêu ở 13 xã, thị trấn. Theo đó, cứ 5 ha cà phê đặt 1 bể; 10 ha lúa đặt 1 bể. Ngoài ra, huyện còn cấp kinh phí để Phòng TN-MT hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Môi trường Việt (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV.
 Bể đựng rác được đặt tại vị trí phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân bỏ rác thải đúng quy định. Ảnh: H.T
Bể đựng rác được đặt tại vị trí phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân bỏ rác thải đúng quy định. Ảnh: H.T
Cũng theo ông Tuấn, để làm tốt công tác thu gom bao bì thuốc BVTV, Phòng TN-MT và các xã, thị trấn đã triển khai nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các hộ dân về vị trí đặt bể cũng như tuyên truyền về tác hại của việc vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi. Qua đó, vận động người dân chấp hành tốt việc bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. “Ban đầu, việc thu gom bao bì thuốc BVTV gặp khó khăn do một số xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, do chưa có hướng dẫn ghi trên thành bể nên vẫn còn tình trạng bỏ lẫn lộn rác thải sinh hoạt với bao bì thuốc BVTV gây khó khăn cho việc phân loại. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và di dời các bể đến nơi phù hợp, người dân đã dần có ý thức bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. Riêng đợt thu gom mới đây, toàn huyện đã thu trên 4,8 tấn bao bì thuốc BVTV. Những địa phương làm tốt gồm thị trấn Ia Kha, xã Ia Dêr, Ia Yok…”-ông Tuấn thông tin.
Dẫn chúng tôi đi xem một số bể chứa bao bì thuốc BVTV đặt trên địa bàn, ông Đặng Lương Minh Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-cho biết, toàn xã có 32 bể chứa bao bì thuốc BVTV đặt tại 12 thôn, làng. Xã đã tiến hành khảo sát và đặt bể chứa ngay đầu các tuyến đường dẫn vào cánh đồng hoặc rẫy cà phê để tạo thuận lợi cho người dân bỏ rác đúng quy định. Đồng thời, quán triệt cho các thôn, làng tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. Các hội, đoàn thể của xã cũng thường xuyên tuyên truyền lồng ghép nội dung này trong các buổi sinh hoạt. Ngoài ra, cán bộ địa chính của xã còn thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người dân bỏ rác đúng quy định. Nhờ đó, ý thức bỏ rác thải nguy hại đúng quy định của người dân được nâng cao, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi giảm hẳn.
Ông Ksor Hoat (làng Blang 2, xã Ia Dêr) cho biết: Trước đây, xã cũng từng tuyên truyền về tác hại của việc vứt bừa bãi bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, vì không có chỗ bỏ cố định nên người dân thường vứt ở gốc cây hoặc bờ suối. Từ khi có bể đựng, người dân đã bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. Cũng từ đó đến nay, tôi không còn thấy bao bì thuốc BVTV nằm ở các gốc cây hay cạnh các bờ suối nữa.
“Đến thời điểm này, Phòng TN-MT đã thực hiện xong việc ghi hướng dẫn mục đích sử dụng lên thành bể để tránh tình trạng người dân bỏ rác thải sinh hoạt vào bể như trước đây. Thời gian tới, Phòng sẽ cử cán bộ xuống phối hợp với các xã làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về việc bỏ rác đúng nơi quy định; đồng thời di dời các bể đựng rác đến vị trí phù hợp để tạo thuận lợi cho quá trình thu gom và vận chuyển. Riêng các xã cần giao trách nhiệm quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc này cho các trưởng thôn. Nếu hộ dân nào không làm tốt việc bỏ rác thải nguy hại đúng nơi quy định cần kiểm điểm trước cộng đồng hoặc xem xét khi công nhận danh hiệu gia đình văn hóa”-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Ia Grai cho biết.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.