(GLO)- Sau chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng-chống hạn tại khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã đồng ý với Bộ Nông nghiệp-PTNT và UBND tỉnh Gia Lai về việc nghiên cứu đầu tư xây dựng hồ chứa Plei Thơ Ga. Đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh.
Để đảm bảo nước sinh hoạt cho 28.300 người dân các xã Chư Don, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa, ổn định sản xuất cho 620 ha lúa nước, tạo nguồn tưới cho 1.000 ha cây công nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ, tạo điều kiện ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế trong vùng, UBND tỉnh đã có tờ trình thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và xin ý kiến về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi hồ chứa Plei Thơ Ga (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT. Dự kiến tổng vốn đầu tư dự án khoảng 200 tỷ đồng do Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm hồ chứa nước có dung tích 10,022 triệu m3 và hệ thống kênh cho khu vực tưới dài khoảng 10 km; thời gian thực hiện xây dựng hồ chứa từ năm 2016 đến năm 2018.
Nhiều sông, suối tại Gia Lai đã khô kiệt nguồn nước trong đợt hạn hán vừa qua. Ảnh: K.N.B |
Việc xây dựng hồ chứa Plei Thơ Ga là rất cấp thiết bởi theo báo cáo của huyện Chư Pưh, các công trình thủy lợi, đập dâng trên địa bàn huyện chưa đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đặc biệt, vụ Đông Xuân hàng năm thường xuyên xảy ra hạn hán đối với cây lúa nước; thiếu nước tưới cho cây cà phê, hồ tiêu làm thiệt hại của người dân hàng trăm tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Xã Chư Don và xã Ia Blứ đã được đầu tư 2 công trình thủy lợi là đập dâng Plei Thơ Ga và đập dâng Ia Hlốp trên suối Ia Luop với công suất thiết kế tưới 420 ha. Tuy nhiên, vào các tháng cuối mùa khô, thời điểm cần nước để canh tác lúa Đông Xuân và tưới cho cây cà phê, hồ tiêu thì suối Ia Luop lại khô kiệt. Bên cạnh đó, diện tích canh tác của người dân tại khu vực 2 công trình thủy lợi này hiện khoảng 600 ha tự chảy và 300 ha tạo nguồn trong khi đó 2 công trình đập dâng với công suất thiết kế 420 ha không đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho cây trồng... Vì vậy, đa phần diện tích lúa nước quanh khu vực 2 công trình thủy lợi này người dân chỉ sản xuất được trong vụ mùa, còn vụ Đông Xuân sản xuất bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào nước trời.
Công trình đập dâng Plei Thơ Ga được xây dựng từ những năm 1992-1994, đến nay đã xuống cấp. Phía trên đập dâng Plei Thơ Ga là đập dâng Ia Hlốp được xây dựng năm 2009-2010. Cả 2 công trình thủy lợi này thường xuyên cạn nước vào mùa khô. Ông Nguyễn Văn Khanh cho biết thêm: Việc đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước phía thượng lưu của đập dâng Plei Thơ Ga là hết sức cần thiết và cần sớm đưa vào khởi công xây dựng để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, giúp người dân phát triển kinh tế. Đồng thời, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân kết hợp nuôi trồng thủy sản và cải tạo điều kiện khí hậu, cảnh quan môi trường địa phương.
Lê Nam