Hương mùa hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lúc nhỏ, chỉ cần chạy chơi với đám bạn bên hiên nhà, hưởng cái mát lành của gió và nghĩ xem ngoài vườn quả gì đã chín, thế là qua một ngày. Những năm tháng ấy, đất mênh mông như thách thức sự cần mẫn của con người. Người lập làng lập xóm đến đâu, cây cối quây quần quanh đó. Lắm khi nhờ có hương hoa, vị quả mà người ta mới nhớ ra mùa màng, năm tháng.
Vào những đêm mùa hạ, nghe cơn gió thổi mạnh và ấm. Gió giật quả xoài rụng lốp bốp. Trời tối chẳng mò được nhưng ngửi thấy mùi nhựa thơm nồng nàn. Cái cây mà cả đời chả bao giờ được chủ nhân của khu vườn tưới cho một gáo nước, bón cho một xẻng phân thì lại luôn cho quả ngọt. Ngọt đến từng chiếc lá đã đành, còn ngọt đến cả mùi nhựa ứa đầu cành.
Lứa chúng tôi lớn thêm, hình như mưa nhiều hơn trong lam lũ. Hạt gạo luôn là thứ mà mẹ tôi nghĩ đến nhiều nhất trong cuộc đời. Hạt gạo mang về từ cánh đồng mưa như trút và nắng như đổ lửa cứ thơm vào cả giấc mơ. Chúng tôi đương tuổi ăn, tuổi ngủ, gió đồng thì mát rượi, vườn quả vẫn sai trĩu cành nhưng hầu hết đều được mang ra chợ bán. Quả lấm bùn trên cỏ, mùi bao, mùi dầu máy xe, mùi người, mùi của cái đói… Chúng tôi quên mùi quả mùa hè.
Một sớm, sau những cơn mưa trắng trời, vườn quả chỉ còn lại những tán lá xanh mướt như chưa từng có mùa hoa thơm và quả ngọt. Những đàn kiến đi hút thứ mật ngọt rơi vãi sau cuộc thu hoạch rầm rộ của những người buôn chuyến nông sản đang trở về tổ trong sự mỏi mệt. Bỗng dưng mấy đứa em tôi nhao nhao rồi trèo lên cây làm cả đàn kiến cũng tao tác. Thì ra, tụi nhỏ phát hiện chùm quả còn lại sau lần thu hái kỹ càng. Đúng là chùm quả chẳng đâu xa, ngay ở nơi tưởng chừng ai cũng thấy nhưng lại “qua mặt” được người lớn. Với lũ trẻ, chúng vui như thể tìm ra điều gì bất ngờ, thú vị lắm cho riêng mình. Chuyện đã qua mà nhiều năm sau tôi vẫn có lần tự hỏi: Có phải ai lớn lên cũng sẽ tìm được điều bất ngờ mà cuộc sống dành cho mình. Thứ mật ngọt, hương thơm như một món quà cho ai còn ngây thơ, chưa nhuốm những lo âu của cuộc đời. Và từ giây phút ấy, tôi biết mình đã già đi tự bao giờ.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Hôm rồi, tôi về quê, bâng khuâng bước trong khu vườn của bà dưới nắng hạ, nghe tiếng ve kêu râm ran trên cành. Lại vẫn màu xanh mướt mát của lá nhưng vắng bóng những chùm quả. Ở tuổi trung niên, người ta thường thích ngắm những cội cây, những cành khẳng khiu từng uốn mình qua giông bão. Tôi ngồi dưới tán xanh lặng lẽ như muốn tìm được lại một chút hơi ấm của bà. Từ trong sâu thẳm của mát trong, yên ả, tôi tin ở miền cực lạc bà đang mỉm cười nhìn xuống khu vườn.  
Bất chợt một tiếng chim. Tiếng chim tìm hương trái nhãn còn sót lại. Chút hương thừa đã bị chú chim tinh khôn chớp lấy. Nhưng niềm vui của tuổi thơ ngày nào và hương mùa hạ vẫn nồng nàn trong ký ức, trong từng hơi thở và cả những cay sè nơi khóe mắt.
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.