Hưởng lợi từ nhận khoán bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Gào và xã Ia Kênh (TP. Pleiku) giáp ranh với xã Ia Pếch (huyện Ia Grai). 3 xã này có khoảng 1.000 ha rừng và hơn 800 ha đất chưa có rừng. Thời gian qua, nhiều hộ dân ở đây đã có thu nhập ổn định từ nhận khoán bảo vệ rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Biển Hồ có 13 cán bộ, nhân viên. Ban có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 9.100 ha rừng phòng hộ ở địa phận 18 xã, phường thuộc TP. Pleiku, huyện Chư Păh và huyện Ia Grai. Để có thêm nguồn lực trực gác, sẵn sàng ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, Ban QLRPH Bắc Biển Hồ đã ký kết, giao khoán hơn 3.000 ha rừng thông 3 lá cho 133 hộ dân ở gần rừng bảo vệ.
Ông Puih Huy (làng Thong Yó, xã Ia Kênh) bộc bạch: Nhận khoán bảo vệ rừng có nhiều cái lợi, có tiền công, có nguồn thu dưới tán rừng, có rau ăn nên dân làng mình ai cũng nhận khoán quản lý, bảo vệ. Nhà mình nhận khoán 24 ha thông gần rẫy nên vừa làm nương, vừa chăn bò, vừa bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Tất Thành-Trưởng ban QLRPH Bắc Biển Hồ-cho biết: “Việc giao khoán rừng cho người dân bảo vệ có nhiều cái lợi. Nhà nước thì bảo vệ và phát triển rừng rất tốt còn người dân thì có thêm thu nhập, giúp cải thiện đời sống. Từ kết quả đạt được, Ban ưu tiên hộ dân tộc thiểu số ở gần rừng hoặc canh tác nương rẫy giáp ranh với rừng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng”.
Tổ quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Pếch tuần tra trên núi Chư Kraih, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư
Tổ quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Pếch tuần tra trên núi Chư Kraih, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư
Xã Ia Pếch có hơn 582 ha rừng và 755 ha đất lâm nghiệp. Diện tích này phần lớn ở khu vực núi Chư Kraih-giáp ranh với xã Gào, xã Ia Kênh (TP. Pleiku), xã Bình Giáo (huyện Chư Prông) và xã Ia Din (huyện Đức Cơ). Tất cả đều được bảo vệ khá tốt là do sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự phối hợp thực hiện của các cơ quan, ban ngành liên quan, của người dân 2 làng O Gang và De Chí. Già làng Rơ Mah Hvoh (làng De Chí) nói: “Việc bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng của bà con người Jrai vùng này. Năm nào, dân làng cũng tự nguyện đóng góp đồ ăn, thức uống, tổ chức cúng tạ thần rừng che chở cho mọi người bình an, sức khỏe. Bà con cố gắng bảo vệ để rừng phát triển xanh tốt, suối có nhiều nước...”.
Ông Ngô Khôn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-đồng tình: “Nhờ có tập quán tốt đẹp đó mà rừng trên địa bàn được gìn giữ, bảo vệ. Người dân 2 làng O Gang và De Chí còn trồng mới 20 ha cây keo lai trên đất chưa có rừng, vượt gần 3 lần so với chỉ tiêu huyện giao trong năm 2022. Ngoài ra, bà con đã họp thống nhất nhận khoán toàn bộ diện tích rừng, đất chưa có rừng để bảo vệ và phát triển trong thời gian tới”.
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-khẳng định: “Trong điều kiện thiếu nhân lực bảo vệ và phát triển rừng như hiện nay thì việc giao khoán rừng và đất chưa có rừng cho nông dân ở gần rừng bảo vệ là chủ trương và giải pháp đúng đắn. Điều này vừa góp phần nâng cao sinh kế cho bà con, vừa bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với các quy định của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI”.
HOÀNG CƯ
 
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.