Học phí đại học đã phù hợp với mức sống?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm học 2024 - 2025, học phí tại các trường ĐH dao động từ trên 10 triệu đến trên 800 triệu đồng/năm. Học phí ĐH đang trở thành nỗi lo với nhiều gia đình. Vấn đề đặt ra là mức thu học phí của các trường hiện nay đã tương xứng, phù hợp với mức sống trung bình của người dân?

MỘT TRƯỜNG CÓ 3 - 4 MỨC HỌC PHÍ

Hiện nay, các cơ sở đào tạo xác định học phí (HP) bậc ĐH dựa theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều đảm bảo chi thường xuyên, trường công lập đảm bảo cả chi thường xuyên của Nghị định 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 97).

Phụ huynh đóng học phí làm thủ tục nhập học cho con trúng tuyển ĐH năm nay

Phụ huynh đóng học phí làm thủ tục nhập học cho con trúng tuyển ĐH năm nay

Nghị định 97 quy định HP có nhiều mức theo từng loại hình trường: trường công lập chưa tự chủ (chưa đảm bảo chi thường xuyên), trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Các trường ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, HP năm học 2023 - 2024 từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học (10 tháng). Đến năm học 2026 - 2027, HP nhóm trường này tăng lên 17,1 - 35 triệu đồng/năm.

Với trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, HP năm học 2023 - 2024 tối đa 24 - 49 triệu đồng/năm và tăng lên mức 34,2 - 70 triệu đồng năm học 2026 - 2027.

Đặc biệt, nhóm trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, HP năm học 2023 - 2024 tối đa 30 - 61,25 triệu đồng và tăng lên tới 42,75 - 87,5 triệu đồng năm học 2026 - 2027.

Ngoài ra, trường tư thục được tự chủ xây dựng mức thu HP; trường công lập được tự xác định mức thu HP của chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do trường ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.

Trong mức trần HP của nghị định, các trường ĐH xây dựng và ban hành mức thu HP năm học 2024 - 2025 theo nhiều mức. Đa số HP các chương trình đại trà trên 10 triệu đồng đến trên 50 triệu đồng. Nhưng bên cạnh đó, hàng loạt trường ĐH xây dựng thêm các chương trình đặc biệt với HP cao hơn nhiều như: chất lượng cao, chương trình giảng dạy tiếng Anh, chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh...

Nên tham khảo mức học phí trên thu nhập bình quân đầu người của các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển để đánh giá mức độ phù hợp với thực tiễn. Thu học phí cao, quá mức chi trả của người dân bình thường không phải là phương án tốt...

GS-TSKH Bùi Văn Ga

Ngay trong cùng một trường công lập, trong khi chương trình đại trà trên 35 triệu đồng/năm thì chương trình chất lượng cao thu tới 70 - 83 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh lên tới 165 triệu đồng/năm. Với cách xây dựng chương trình như vậy, các trường ĐH đang thu HP cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của chương trình tiêu chuẩn.

Trong khi đó, các trường ĐH công lập chuyển sang tự chủ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Theo văn bản của Bộ Nội vụ về việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT, hết năm 2025 các đơn vị đào tạo ĐH thuộc Bộ GD-ĐT sẽ đồng loạt thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính từ mức đảm bảo chi thường xuyên trở lên. Như vậy, HP bậc ĐH không chỉ tăng mỗi năm theo khung quy định mà còn mở rộng phạm vi số trường đủ điều kiện thu HP cao hơn.

HỌC PHÍ CÓ CAO SO VỚI GDP/ĐẦU NGƯỜI?

GDP/đầu người là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trong điều chỉnh mức HP. Liên quan đến việc điều chỉnh HP theo Nghị định 97, Bộ GD-ĐT từng so sánh mức trần HP của nhóm trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên GDP/đầu người của năm 2015 (năm học 2015 - 2016) với năm 2023 (năm học 2023 - 2024).

Cụ thể, GDP/đầu người năm 2015 là 45,7 triệu đồng, năm 2023 là 101,9 triệu đồng (tăng 2,23 lần). Nếu lấy mức trần HP một số khối ngành ở 2 thời điểm trên để so sánh thì thấy HP không thực tăng, thậm chí giảm ở hầu hết các ngành (trừ y dược và nông nghiệp). Ví dụ, khối STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán) năm học 2015 - 2016 là 720.000 đồng/tháng, năm học 2023 - 2024 là 1,45 triệu đồng/tháng (tăng 2,01 lần).

Năm học 2024 - 2025, học phí tại các trường ĐH dao động từ trên 10 triệu đến trên 800 triệu đồng/năm

Năm học 2024 - 2025, học phí tại các trường ĐH dao động từ trên 10 triệu đến trên 800 triệu đồng/năm

Trưởng khoa Tài chính một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng GDP/đầu người là một căn cứ để đánh giá thang HP bậc ĐH.

Theo chuyên gia này, GDP/đầu người của Mỹ khoảng 76.000 USD, HP ĐH bình quân dành cho sinh viên Mỹ ở trường công khoảng 15.000 USD. Các chỉ số cũng tương tự ở Anh. Như vậy, HP được xây dựng trong khoảng 20 - 25% GDP bình quân đầu người được xem là hợp lý để phù hợp với mức thu nhập trung bình trong xã hội.

"Nếu ở VN, GDP bình quân đầu người khoảng 100 triệu đồng (năm 2023), thì học phí ĐH công lập khoảng 25 triệu đồng/năm. Với mức này, tỷ lệ HP so với GDP bình quân sẽ tương đương cách tính của Mỹ, Anh hay Úc", trưởng khoa này phân tích.

Năm học 2024 - 2025, giả thuyết mức HP 20 - 25 triệu đồng/năm. So với nhóm trường chưa tự chủ, mức này cao hơn với một số khối ngành. Tuy nhiên, lại thấp hơn ở một số khối ngành của nhóm trường tự đảm bảo chi thường xuyên, thấp hơn nhiều ở nhóm trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Đặc biệt, mức này đang thấp hơn rất nhiều so với chương trình đào tạo đặc biệt của các trường ĐH.

"Riêng với các ngành có chi phí đào tạo cao và cần thiết cho xã hội (như y khoa), Nhà nước có thể xem xét chính sách hỗ trợ cho trường đào tạo hoặc tài trợ trực tiếp cho các sinh viên học ngành này. Chẳng hạn, có thể áp dụng chính sách miễn HP và cấp sinh hoạt phí như với sinh viên sư phạm cho lĩnh vực đào tạo bác sĩ y khoa", chuyên gia này kiến nghị.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng: "Nên tham khảo mức HP trên thu nhập bình quân đầu người của các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển để đánh giá mức độ phù hợp với thực tiễn. Thu HP cao, quá mức chi trả của người dân bình thường không phải là phương án tốt, vì người học hiện có rất nhiều sự lựa chọn học trong nước hay đi nước ngoài học tập". (còn tiếp)

Cần thiết tăng cường ngân sách cho giáo dục ĐH

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế về giáo dục ĐH, đầu tư cho giáo dục ĐH từ ngân sách nhà nước còn rất thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo. Việc phân bổ ngân sách còn bất cập, ngân sách phân bổ cho hoạt động đào tạo thấp, không bảo đảm cơ cấu chi cho giáo dục ĐH. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo; chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục, xã hội hóa chưa thực sự gắn với công bằng xã hội trong giáo dục. Cần thiết phải tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục ĐH và đổi mới mạnh mẽ các cơ chế và chính sách tài chính đối với giáo dục ĐH.

Cũng theo báo cáo này, mục tiêu đến năm 2030, tổng kinh phí chi toàn quốc cho giáo dục ĐH tăng bình quân hằng năm gấp 2 lần mức tăng GPD, đạt tỷ trọng 1,5% GDP vào năm 2030. Tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH đạt tỷ trọng trên GDP bằng mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân; tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia có vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống.

Đáng chú ý theo báo cáo này là việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH, phân bổ ngân sách nhà nước theo năng lực và hiệu quả, tăng cường xã hội hóa để khuyến khích doanh nghiệp hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục ĐH gắn với mở rộng chính sách tài chính hỗ trợ người học, không để ai bị mất cơ hội học ĐH vì điều kiện kinh tế.

Theo Hà Ánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.