"Học ăn, học nói…"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hồi hộp, lo lắng, nói lắp bắp… mỗi khi đứng trước đám đông nên nhiều bạn trẻ cảm thấy mất tự tin, khó hòa đồng, giao lưu và kết bạn. Vì vậy, họ đã quyết tâm tìm đến các lớp học kỹ năng giao tiếp trước đám đông.

Đứng trước đám đông, nhiều người cảm thấy không thoải mái, khó kiểm soát được lời nói, chân tay tê cứng, toát mồ hôi lạnh và khó điều khiển biểu cảm, cảm xúc khuôn mặt. Điều đó tạo ra những hạn chế, trở ngại nhất định trong học tập và giao tiếp. Em Nguyễn Thị Phương Anh (lớp 11, Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) có khuôn mặt xinh xắn, ưa nhìn và rất dễ gần. Thế nhưng, đứng trước đám đông, em lại khá hồi hộp và khó để bắt đầu câu chuyện. Phương Anh kể: “Từ ngày còn nhỏ, em đã rất sợ tiếp xúc với người lạ. Sau này có đỡ hơn nhưng em cũng rất hạn chế trong việc giao tiếp. Khi cần lên phát biểu trên sân khấu, mặt em thường bị “đơ”, không thể hiện được cảm xúc”.

 

Các học sinh tham gia lớp MC và kỹ năng nói trước đám đông của MC Xuân Quỳnh. Ảnh: P.L
Các học sinh tham gia lớp MC và kỹ năng nói trước đám đông của MC Xuân Quỳnh. Ảnh: P.L

Tương tự, em Trần Khánh Thuận (lớp 11C2, Trường THPT chuyên Hùng Vương) vẫn nhớ như in câu chuyện từ khi còn học Mẫu giáo. Trong một lần biểu diễn văn nghệ, Thuận được cô giáo chọn vào đội múa. Đến giờ biểu diễn, vì quá run không dám xuất hiện trên sân khấu, Thuận đã âm thầm… bỏ trốn khiến tiết mục múa từ 10 người chỉ còn 9 người. Tính rụt rè, nhút nhát theo Thuận cho đến tận bây giờ. Thuận không có nhiều bạn bè bởi không đủ tự tin để nói chuyện, làm quen và kết bạn. “Hầu như trong suốt quãng thời gian tuổi thơ, em không thể biết hết tên của các bạn học cùng lớp, cùng khóa với mình. Đến bây giờ nghĩ lại em vẫn cảm thấy rất buồn vì điều đó”-Thuận bộc bạch.

Không chỉ Khánh Thuận và Phương Anh, nhiều bạn trẻ cũng cảm thấy rất khó để biểu đạt suy nghĩ trước đám đông. Nhằm khắc phục điểm yếu này, Khánh Thuận đã phải tự rèn luyện rất nhiều. Nhờ vậy, từ một người rụt rè, nhút nhát, Thuận đã trở thành MC thường xuyên trong các chương trình của trường, của lớp. “Em nhận thấy việc ngại giao tiếp gây ra rất nhiều hạn chế, khó khăn cho bản thân. Vì vậy, em luôn cố gắng thuyết phục mình phải vượt qua, phải nói nhiều hơn, phải tham gia các hoạt động và kết bạn nhiều hơn. Dần dần, em dễ dàng bắt chuyện, làm quen và nói trước nhiều người, không còn cảm thấy sợ sệt như trước nữa”-Thuận bày tỏ. Và để bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng giao tiếp nhằm hiện thực hóa giấc mơ làm marketing và người dẫn chương trình trong tương lai, Thuận đã tìm đến lớp học kỹ năng dẫn chương trình của MC Xuân Quỳnh-quán quân cuộc thi người dẫn chương trình MC Cầu Vồng 2013, mở tại 142 Sư Vạn Hạnh (TP. Pleiku).

Tại đây, Thuận cùng các bạn có chung niềm đam mê làm MC đã được học và thực hành các kỹ năng sử dụng giọng nói, phỏng vấn, sử dụng ngôn ngữ hình thể, bí quyết dẫn mở… với MC Xuân Quỳnh và các khách mời là những người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là cơ hội quý báu dành cho các bạn trẻ Gia Lai khi được học hỏi kinh nghiệm dẫn chương trình, kỹ năng nói trước đám đông từ những người dày dạn kinh nghiệm.

Là người thành lập một câu lạc bộ từ thiện và từng tham gia vận động, tổ chức nhiều chương trình, Nguyễn Thị Hoài Thanh (lớp12, Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) có phong thái giao tiếp khá tự tin, mạnh dạn. Thế nhưng, Thanh vẫn đăng ký tham gia lớp học của MC Xuân Quỳnh để được học hỏi và trau dồi thêm nhiều kỹ năng giao tiếp. “Trước kia, em cũng rất nhút nhát. Sau khi tham gia tổ chức nhiều chương trình từ thiện, gặp gỡ, nói chuyện với các cơ sở từ thiện, các nhà tài trợ và các em thiếu nhi, em dần cảm thấy tự tin. Em mong muốn được đi nhiều nơi, tổ chức nhiều chương trình và gặp gỡ nhiều người bạn hơn nữa nên quyết định đăng ký lớp học của chị Xuân Quỳnh. Qua lớp học này, em muốn mình kiểm soát tốt hơn cảm xúc khi đứng trên sân khấu hay nói trước đám đông”-Hoài Thanh tâm sự.

Trò chuyện cùng P.V, MC Xuân Quỳnh cho hay: “Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ đem đến nhiều cơ hội hơn cho mọi người như: cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, cơ hội trải nghiệm ở nhiều nơi, nhiều vùng văn hóa. Từ thực tiễn của bản thân, mình muốn đem những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm có được để truyền đạt, chia sẻ cùng các bạn trẻ ở Gia Lai, nơi mình lớn lên, nhằm giúp các bạn có thêm “đôi cánh” để có thể bay cao và bay xa hơn trong tương lai”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Chị Lê Thị Thảo trao đồ dùng học tập cho học sinh Jrai có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: K.H

Hành trình kết nối yêu thương

(GLO)- Bằng việc lập ra gian hàng 0 đồng và kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chị Lê Thị Thảo (buôn Sô Ma Lơng A, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã giúp đỡ những cảnh đời khó khăn, nhất là người già và các em nhỏ trên địa bàn xã.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Trao tặng 4 “Tủ sách cho em” tại huyện Kbang

Trao tặng 4 “Tủ sách cho em” tại huyện Kbang

(GLO)- Sáng 8-10, tại Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng), Huyện Đoàn Kbang (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) Gia Lai yêu thương tổ chức chương trình trao tặng “Tủ sách cho em” năm 2024.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.