Hoàng hôn yên ả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước nhà tôi là Công viên Diên Hồng-điểm đến ưa thích của người dân Phố núi Pleiku và nhiều du khách. Chiều về, khi mặt trời trốn mình sau bóng những cây thông cổ thụ, hoàng hôn nơi đây yên ả và đẹp đến nao lòng. 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Riêng tôi, vào những ngày nắng đẹp, cứ chiều chiều nhìn ra, tôi lại như bị mê hoặc bởi những vạt nắng như tưới lên trên hàng cây, trên những chậu hoa hồng, trên giàn hoa giấy đang mùa hoa tươi thắm. Và, tôi ước mình có thật nhiều thời gian để chỉ đứng đó, phóng tầm mắt thật xa để thu hết vào tâm trí những hình ảnh đẹp nhất và cả những cảm xúc tinh khôi nhất trước cái đẹp của đất trời, của cây lá mà thiên nhiên ban tặng.

Tôi luôn nhìn thấy ở cái màu chiều man mác một cảm giác tha thiết yêu thương. Đó là màu của đồng lúa xanh mát nhè nhẹ đu đưa theo từng con gió, màu của những cánh diều vi vút giữa trời xanh, màu của làn khói xám luồn qua những mái tranh quê rồi len lỏi qua những vườn cây trái tạo thành một màn mây trắng đục bàng bạc khắp xóm làng.

Hình ảnh những cuộn khói lam ấy luôn đọng trong ký ức của những người con xa quê một sự nhớ nhung, quyến luyến. Tôi nhớ những hoàng hôn của ngày thơ bé, khi ba má cặm cụi ra đồng từ sáng sớm với những công việc nặng nhọc của nhà nông. Những bữa ăn trưa giữa cánh đồng nắng chang chang trong giờ nghỉ ngắn ngủi vội vàng để rồi lại tất bật với công việc. Chỉ có khi bóng chiều buông xuống thì cả nhà mới bên nhau trong bữa cơm quê đượm mùi khói bếp.

Với tôi, hoàng hôn gợi lên những nghĩ suy về sự đoàn tụ. Sau một ngày làm việc vất vả, khi cái nắng dịu dần và mặt trời dần khuất sau những rặng núi xa xa để lại những ráng đỏ vàng tuyệt đẹp trên bầu trời, từ trên những cánh đồng, nương rẫy hay trong các công sở, người ta kết thúc một ngày làm việc. Bỏ lại những mệt mỏi lo toan, ai nấy tìm về mái ấm, cùng nhau nấu bữa cơm chiều.

Đứng ngắm hoàng hôn, chúng ta có thể thu vào trong tầm mắt những hình ảnh gợi bao cảm xúc. Những chú chim mỏi cánh sau một ngày kiếm ăn rúc rích gọi nhau tìm về tổ. Những đàn bò sau một ngày tìm ăn trên các đồi cỏ hay miệt mài cày kéo trên những cánh đồng giúp người nông dân sẽ được nghỉ ngơi, tắm mát, đủng đỉnh về nhà trong sự thoải mái ung dung. Từng tốp học sinh tung tăng bên nhau sau giờ tan học, màu áo trắng như bừng sáng hơn dưới trời chiều.

Hoàng hôn cũng chưa hẳn là đã kết thúc một ngày. Với những người làm ca đêm, với cuộc sống thị thành bận rộn ngày nay thì những người phải mưu sinh về đêm không phải hiếm. Cũng có những người mà ngày làm việc bắt đầu khi hoàng hôn đã qua.

Tuổi thơ vô tư, tuổi trẻ miệt mài thực hiện ước mơ khiến ta ít để ý đến thời gian. Nhưng rồi khi tuổi trung niên đến, ta bắt đầu ý thức hơn về sự vô thường của cuộc sống, về sự quý giá của từng phút giây của cuộc đời. Tôi yêu từng khoảnh khắc của thời gian và nhận thấy vẻ đẹp của từng thời điểm, từng nơi mình qua. Với tôi, hoàng hôn là lúc ta nhìn lại một ngày qua để chuẩn bị cho một ngày mới. Ngắm hoàng hôn, tôi lại nghĩ về cuộc đời một con người.  

Hoàng hôn cũng vừa buông. Một ngày vừa đi qua. Ngày mai sẽ đến…

NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.