Tại Nghị quyết 63 về nội dung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) đến hết ngày 31-12-2023; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 và sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo các chuyên gia, để có được khung pháp lý hoàn chỉnh cho xử lý nợ xấu, các cơ quan có trách nhiệm còn rất nhiều việc phải làm.
Tại buổi tọa đàm về xử lý nợ xấu do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã giúp nợ xấu giảm rõ rệt, cả nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mà chưa xử lý được và nợ cơ cấu lại có nguy cơ trở thành nợ xấu).
Nợ xấu gộp giảm tương đối mạnh từ mức 17,6% năm 2017 đến mức 6,3% cuối năm 2021. Nợ xấu nội bảng cũng giảm từ mức 2,34% tháng 9-2017 xuống còn 1,5% vào cuối 2021. Dự báo, năm 2022, nợ xấu nội bảng sẽ lên mức 2%. Lý do là tháng 6 vừa qua, Thông tư 14/2021/TT-NHNN (về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ) hết hiệu lực và thông tư này nếu không được gia hạn thì nhiều khoản nợ sẽ phải chuyển nhóm, từ đó, đương nhiên nợ xấu sẽ tăng.
Nợ xấu là quá trình liên tục, không phải chỉ ở thời kỳ kinh tế khó khăn. Do đó, việc luật hóa việc xử lý nợ xấu là cần thiết. Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 42 có 2 điểm rất đáng lưu tâm.
Thứ nhất là phải đặt nguyên tắc thị trường lên cao nhất, tức xử lý nợ xấu phi hành chính và tuân thủ luật pháp. Thứ hai là đẩy nhanh tiến trình xử lý, tức là các thủ tục hành chính để làm tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. Còn theo ông Cấn Văn Lực, muốn xử lý nợ xấu hiệu quả thì khuôn khổ pháp luật giải quyết phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam phải tốt hơn. Bởi lẽ, việc giải quyết phá sản quá chậm chạp đã khiến cho xử lý nợ xấu chậm vì doanh nghiệp không chịu phát mãi, thanh lý tài sản nên không có nguồn lực để xử lý các khoản nợ xấu.
Nghị quyết 42 đã được gia hạn, vấn đề tiếp theo là các cơ quan liên quan phải chuẩn bị các bước để luật hóa xử lý nợ xấu, không tạo ra khoảng trống pháp lý. Song song với đó là từng bước tháo gỡ, không để tồn tại các vướng mắc, đặc biệt là phải có chế tài trong tổ chức thực hiện. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, để có được khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh thì một số nội dung phải nghiên cứu mở rộng, đó là: vai trò của VAMC, vấn đề phá sản doanh nghiệp và về thị trường mua bán nợ.
Bên cạnh đó, sắp tới, Chính phủ sẽ trình sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật có liên quan đến nợ xấu như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… Do đó, các cơ quan liên quan cần rà soát, đóng góp để hoàn thiện, sửa đổi ngay trong các dự án luật đó. Đây là cách làm hiệu quả và khá bền vững. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định trong dự án luật về xử lý nợ xấu và bổ sung 1 chương về vấn đề này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo HÀ MY (SGGPO)