Hiến kế chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vừa chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo “Góp ý về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số” trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Thứ trưởng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp.

Tham gia hội thảo còn có các Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Gia Lai, Đak Nông, Đak Lak, Kon Tum và một số nhà khoa học, doanh nghiệp.

Tham luận tại hội thảo, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai-cho hay: Nhìn chung, diện tích đất ở, đất sản xuất sau khi cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh được các hộ đưa vào sản xuất, sử dụng hiệu quả. Việc hỗ trợ này cơ bản giải quyết khó khăn về vấn đề đất ở, đất sản xuất cho hộ ĐBDTTS.

Tuy nhiên, cần cụ thể hóa Điều 24 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về “Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với ĐBDTTS”. Tại Điều 180 của dự thảo, hạn mức giao đất hàng năm là 2 ha, lâu năm là 30 ha là quá ít đối với các tỉnh Tây Nguyên. Do đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất cánh đồng lớn thì cần tăng hạn mức diện tích; đồng thời, làm rõ khái niệm hạn mức giao đất và hạn mức công nhận quyền sử dụng đất. Đối với diện tích đất rừng, thực tế là đất nông nghiệp mà người dân đang sử dụng theo hình thức riêng đối với ĐBDTTS Tây Nguyên thì cần nới lỏng điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với cơ chế thu tiền sử dụng đất phù hợp vì đời sống người dân còn khó khăn.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Thương

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Thương

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai: Đối với đất đai có nguồn gốc từ đất nông-lâm trường đã được quản lý chặt chẽ hơn, việc giao khoán, liên doanh, liên kết cho thuê, mượn, đất bị tranh chấp, lấn chiếm có xu hướng giảm. Một phần trong số đất đai đã chuyển giao về địa phương đã được ưu tiên giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất, hộ giãn dân, tách hộ, cho doanh nghiệp thuê, góp phần định canh, định cư, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: Các nông-lâm trường được giao diện tích lớn nhưng không phải trả tiền thuê đất, lại không có điều kiện đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất hạn chế nên còn để đất không sử dụng theo quy hoạch. Nhiều đơn vị đã cho thuê, cho mượn đất trái quy định, sử dụng không đúng mục đích, đem đất đi thực hiện liên doanh, liên kết kém hiệu quả; một số đơn vị muốn liên doanh, liên kết để tăng hiệu quả sử dụng đất như liên kết trồng dược liệu dưới tán rừng nhưng vướng quy định về đấu giá cho thuê rừng tự nhiên.

Do đó, cần làm rõ hơn nữa về giao đất, giao rừng tự nhiên, tăng chủ thể quản lý rừng, quản lý rừng bằng nhiều hình thức; đồng thời, tăng tính hiệu quả từ rừng tự nhiên để liên kết sản xuất kinh doanh; tăng mức hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất với các hộ nhận khoán…

Đề cập chính sách về đất đai cho ĐBDTTS và đất có nguồn gốc nông-lâm trường, ông Nguyễn Ngọc Sâm-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum-khẳng định: Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nhấn mạnh đưa vào chính sách giải quyết đất sản xuất và đất ở cho ĐBDTTS là nội dung quan trọng nhằm phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Tuy nhiên, hiện nay, vùng ĐBDTTS cần diện tích lớn đất sản xuất, chưa nói là áp lực dân số, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, trình độ, điều kiện sản xuất của ĐBDTTS còn hạn chế. Việc cấp đất, giao đất cho ĐBDTTS khó khăn khi đất nông-lâm trường giao về địa phương quản lý hầu hết là đất lấn chiếm, đất lâm nghiệp, chưa kể đồi dốc, đất xấu mà khi giao cho ĐBDTTS thì sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và khó giải quyết. Quỹ đất của các công ty nông-lâm nghiệp của Nhà nước khi thu hồi cũng gặp khó khăn liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, kinh phí; quyền và nghĩa vụ giao đất cho ĐBDTTS. Các đối tượng giao đất không có điều kiện kinh tế, trình độ mà Nhà nước không có chính sách huy động vốn, quy định được sử dụng đất hoặc tạo cơ chế thì giao đất xong lại trở thành không có đất. Vì vậy, cần chuyển qua hình thức góp vốn để huy động vốn các doanh nghiệp có thời hạn, nếu không sử dụng có thể thu hồi.

Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: Đức Thụy

Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: Đức Thụy

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Quang Tân-Điều phối viên Quốc gia của Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm quốc tế tại Việt Nam, Điều 17 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trách nhiệm của Nhà nước về chính sách đất đai của ĐBDTTS nhưng chỉ tập trung vào đất ở, đất sản xuất là chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm đất rừng tự nhiên vì ĐBDTTS sống gần rừng qua nhiều thế hệ. Điều đó không chỉ giải quyết về đất sản xuất mà còn có giá trị về mặt văn hóa, tinh thần.

Bên cạnh đó, khi người dân được giao đất rừng để sản xuất thì diện tích ấy được phục hồi, tạo môi trường cho nhiều động-thực vật quý sinh sống thì lại quy hoạch vào đất rừng đặc dụng, người dân không được quản lý, sử dụng nữa. Những diện tích này vẫn nên để người dân tiếp tục quản lý, sử dụng. Ngoài ra, cần quy định các nội dung liên quan đến những điều kiện mà người dân hưởng lợi khi sản xuất trong rừng đặc dụng để phát triển kinh tế. Vì nó cho phép chúng ta tăng độ che phủ của rừng và người dân cũng có sinh kế để cải thiện cuộc sống.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo gắn liền thực tiễn chính sách đất đai khu vực ĐBDTTS và miền núi.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điều khoản đề cập đến chính sách về đất đai cho ĐBDTTS cũng như việc giải quyết đối với đất có nguồn gốc nông-lâm trường. Tuy nhiên, các điều khoản chưa thật sự giải quyết được các vấn đề vướng mắc, khó khăn mà đại biểu nêu tại hội thảo. Do đó, đề nghị các đại biểu tiếp tục rà soát thực tiễn tại địa phương, nghiên cứu để đề xuất thêm ý kiến, đặc biệt là đối với Điều 17 về “Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với ĐBDTTS” cần làm rõ hơn quy định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương để đảm bảo toàn diện hơn; xác định rõ đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; những quy định khi cho phép phát triển kinh tế dưới tán rừng để đảm bảo phát triển kinh tế nhưng vẫn quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả…”.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ chắt lọc những nội dung chính liên quan đến các quy định của pháp luật và mang tính đại diện cho vùng miền để nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho ĐBDTTS; đồng thời, chuyển tài liệu đến ban soạn thảo để tổng hợp và làm cơ sở hoàn thành dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”-Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.