Hát giữa 'lãnh địa' phu vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối tháng 3/2022, trong hành trình “Dọc miền biên ải” ở huyện biên giới Nam Giang (Quảng Nam) tôi có chuyến đi xuyên vườn Quốc gia Sông Thanh cùng tổ bảo vệ rừng. Chuyến đi đầy ắp kỷ niệm khi cùng tuần tra, sinh hoạt và được hát vang núi rừng nơi một thời là “lãnh địa” khét tiếng của giới phu vàng tứ xứ.
Trước khi cùng tổ bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Sông Thanh vào khe Tà Vạt, ông Đinh Văn Hồng - Phó giám đốc BQL Vườn quốc gia Sông Thanh căn dặn kỹ anh em phóng viên phải cẩn thận vì đường rừng dốc dựng đứng, chênh vênh, nhiều vực sâu, khe suối, rất dễ xảy ra tai nạn.
Cơm trưa xong, chân đi dép rọ, quần đùi, anh em vác balo lên đường tiến vào khe Tà Vạt dưới sự dẫn đường của anh Hoàng Ngọc Hùng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng khe Tà Vạt. Từ khe Vin, đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Bung 45 phút mới đến địa điểm xuất phát cho hành trình đi bộ. Rừng Sông Thanh còn nguyên sinh, càng đi sâu vào bên trong rừng càng thâm u với cây cối cổ thụ dày to lớn tạo nên khung cảnh đẹp nhưng cũng huyền bí. Nắng nóng giữa trưa làm cho những đoạn dốc dựng đứng trở nên nhọc nhằn với anh em phóng viên.
Gần 3 giờ phải thở bằng mồm vì trèo đèo lội suối, chúng tôi có mặt ở khe Tà Vạt khi ai cũng mệt lả. Hơn 1 năm kể từ ngày hàng chục hầm vàng bị đánh sập, có bàn tay của anh em tổ bảo vệ rừng, những mầm sống đã nảy lộc lên trên những ngổn ngang đất đá. Hai lán trại là nơi nghỉ ngơi cho 10 thành viên tổ bảo vệ rừng được dựng lên dưới tán rừng già, bên cạnh những miệng hầm đã bị đánh sập, cạnh những am thờ phu vàng xấu số.
Có tiếng vịt kêu cạp cạp giữa rừng sâu, khách ai cũng ngạc nhiên. Anh Hùng cười bảo: “Khe suối Tà Vạt trước đục ngầu vì chất độc cyanua. Nay nước đã trong trở lại, anh em mang trứng vịt lộn vào rồi ủ ấp nở vịt con và nuôi để tăng gia, cải thiện bữa ăn. Lứa vịt hơn 10 con này là lứa nuôi thí điểm đó. Đêm nào anh em cũng phải thắp đèn canh chừng, lơ cái là thú rừng sẽ bắt vịt ngay”.
Có khách lên, anh em tổ bảo vệ rừng khe Tà Vạt vui hơn. Phần vì có người lên thay, phần có thêm ít lương thực; và phần nữa là có người để trò chuyện, vì ở đây anh em quen nhau quá rồi.
 
Phóng viên Tiền Phong và đồng nghiệp mắc võng ngủ lại ở khe Tà Vạt. Ảnh: Nguyễn Cường
Phóng viên Tiền Phong và đồng nghiệp mắc võng ngủ lại ở khe Tà Vạt. Ảnh: Nguyễn Cường
Brol Đàn, 30 tuổi, chỉ tay về phía ngọn núi sau lưng trại rồi bảo: “Ở đây không có sóng điện thoại, nếu muốn liên lạc về gia đình thì anh leo lên cái dốc 5 tầng đó. Phía trên có một cái chòi nhỏ là nơi để gọi điện về nhà hay cấp báo cho cơ quan khi có sự việc xảy ra. Những hôm có đội tuyển Việt Nam đá bóng, anh em kéo lên đó, xúm nhau vào một cái điện thoại rồi xem. Giữa chừng, hết pin, hết dung lượng, lại tụt xuống dốc về ngủ”. Đàn cười, đôi tay thoăn thoắt bắt cặp vịt đi về phía bếp, nhanh tay làm thịt để đãi khách. Anh em phóng viên tính lên đó để gọi điện về nhà, nhưng ngước nhìn 5 con dốc cao dựng đứng nên đành quay lui.
Bữa cơm chiều dọn ra, với món vịt kho gừng thơm lừng và nồi canh rau khoai mà anh em tăng gia trồng được. “Đã xác định, là cuộc chiến lâu dài thì phải tự cung tự cấp, tăng gia sản xuất tại chỗ. Hầm mỏ đã đánh sập, nhưng dân làm vàng, vẫn nghe ngóng tình hình. Anh em dựng trại, nuôi trồng để sống lâu dài thì giới làm vàng tự khắc biết khó mà lùi. Đây là cách giữ rừng và tài nguyên quốc gia hiệu quả nhất”, anh Hùng cho biết.
Bữa cơm đi kèm vài ly rượu gạo để anh em “giải mỏi” sau những chuyến đi đường rừng. Brol Đàn là cây văn nghệ của tổ bảo vệ rừng, bắt nhịp để anh em hát vang những bài ca quê hương, đất nước giữa rừng trong tiếng gõ nhịp chén đũa, xoong nồi. Trong ánh đèn pin và bếp lửa lập lòe anh em say sưa hát để xua tan đêm tối tĩnh mịch.
 
Anh em tổ bảo vệ rừng khe Tà Vạt bên cây đàn guitar là quà của phóng viên Tiền Phong
Anh em tổ bảo vệ rừng khe Tà Vạt bên cây đàn guitar là quà của phóng viên Tiền Phong
“Trước em có cây đàn guitar nhưng hỏng mất rồi anh ạ. Cũng tính mua lại những lương nghề bảo vệ rừng thấp nên không mua lại được. Em cũng mê lắm”. Giữa núi rừng, sống trong khó khăn thiếu thốn, nghe Đàn nói thấy thương vô cùng. Tôi và anh đồng nghiệp đi cùng bảo nhau gom tiền đi đường chưa dùng tới, dành tặng anh em và giao nhiệm vụ cho Đàn: “Lần sau bọn anh quay trở lại, phải có đàn và ai cũng phải biết chơi guitar nhé”. Tiếng cười vang lên, lọt thỏm giữa rừng sâu trong đêm tối mịt mùng!
Hai tuần sau chuyến đi, điện thoại hiện lên tin nhắn của Đàn kèm hình ảnh, video anh em hát hò với cây đàn guitar sau giờ tuần tra đầy mệt nhọc. “Anh em cảm ơn các anh nhiều. Có đàn rồi anh em sẽ cùng dạy đàn cho nhau, để tổ có thêm niềm vui, động lực bám trụ để giữ rừng. Đợt sau các anh quay lại tụi em đã có hẳn một ban nhạc cũng nên”, Đàn vui vẻ nhắn tin.
Nơi “lãnh địa” mà giới cai vàng vẫn đang dòm ngó, canh me, hy vọng tiếng đàn, tiếng hát sẽ vang mãi để bình yên luôn ở lại với khe Tà Vạt trong cuộc chiến bảo vệ rừng!
Sau thời gian dài tốn nhiều công sức, tiền của để truy quét đẩy đuổi “vàng tặc” tại khe Tà Vạt nhưng không hiệu quả, tháng 6/2021 lãnh đạo tỉnh Quảng Nam quyết định cho đánh sập toàn bộ 75 hầm vàng trái phép tại đây, chấm dứt những dai dẳng và nhùng nhằng trong câu chuyện khai thác vàng trái phép diễn ra hơn 40 năm. Từ đó đến nay, nhiệm vụ canh gác, bảo vệ được giao cho những người bảo vệ rừng của Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh đảm trách.
Theo NGUYỄN THÀNH (TPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.