Ở nhiều địa phương, phong trào nữ giới tập luyện đá bóng cũng đã manh nha nhưng các giải đấu dành cho nữ vẫn là điều tương đối “xa xỉ”. Đã có một số giải đấu phong trào nhưng chỉ dừng lại ở mức độ tự phát giữa các câu lạc bộ có cùng niềm đam mê. Do đó, huyện Đak Đoa là địa phương tiên phong trong toàn tỉnh tổ chức Giải Vô địch bóng đá nữ của huyện là kết quả tất yếu của phong trào bóng đá nữ phát triển rất mạnh trong thời gian qua trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng-cán bộ phụ trách thể thao của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa: Hiện có nhiều xã duy trì đội bóng đá nữ tập luyện thường xuyên như Glar, Hnol, Trang, A Dơk, thị trấn Đak Đoa... Ngoài việc ra sân vào buổi chiều hàng ngày, các đội bóng còn tự liên hệ để đá giao lưu với nhau. Đặc biệt, xã Glar còn duy trì đội bóng quy tụ các cầu thủ chất lượng ở các địa phương lân cận để thi đấu tại địa phương trong và ngoài tỉnh như Đak Lak, TP. Hồ Chí Minh.
Các trận đấu đã diễn ra với chất lượng chuyên môn tương đối cao. Ảnh: Văn Ngọc |
Ông Hồng cho hay: “Đội bóng này đá với nhau từ lâu nên rất bài bản, ăn ý. Trong đó sở hữu nhiều cầu thủ có tố chất rất tốt, có cầu thủ trẻ đã được các câu lạc bộ bóng đá nữ chuyên nghiệp liên hệ nhưng vì điều kiện gia đình nên không thể theo con đường này. Ở các xã khác, phong trào bóng đá nữ cũng nổi lên không hề kém cạnh nam giới, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Do đó, nhu cầu tổ chức giải Vô địch bóng đã nữ toàn huyện là rất lớn”.
Giải năm nay khởi tranh từ 22-3 với sự góp mặt của hơn 70 cầu thủ đến từ 7 đội bóng gồm thị trấn Đak Đoa, các xã: Hneng, Ia Pết, Trang, Đak Krong, Glar và Hnol. Vượt qua những ngày thời tiết nắng nóng, các cô gái đã chơi những trận cầu đẹp mắt và không kém phần kịch tính. Đặc biệt đội bóng xã Glar đã thể hiện đẳng cấp vượt trội vì được cọ xát ở nhiều giải phong trào.
Cầu thủ Plơi (trái) của xã Glar đã ghi 19 bàn sau 4 trận đấu. Ảnh: Văn Ngọc |
Trong trận chung kết với đội bóng xã Hnol, các “bóng hồng” của đội bóng xã Glar hoàn toàn làm chủ thế trận với những pha phối hợp cực kỳ sắc nét. Những pha xử lý bóng kỹ thuật cũng như các tình huống dứt điểm của họ khiến những đấng mày râu đứng ngoài sân cổ vũ cũng phải thán phục. Trong đó ấn tượng nhất là chân sút Plơi của đội bóng xã Glar đã ghi đến 19 bàn sau 4 trận. Riêng trong trận chung kết, cô đã góp mặt vào 4 bàn thắng trong chiến thắng 5-0 của đội nhà.
Sau khi giành chức vô địch cùng đội bóng xã Glar, Plơi hồ hởi: “Lâu nay tôi cũng đá nhiều giải nhưng chưa lần nào có giải chính thức của huyện như thế này. Tôi rất vui vì được đối đầu với các đội bóng trong toàn huyện. Các đội khác cũng có nhiều cầu thủ hay, nếu thường xuyên có giải thì họ sẽ được cọ xát nhiều hơn và sẽ lên chân để chơi hay hơn”.
Ban tổ chức trao giải cho các đội đạt thứ hạng cao. Ảnh: Văn Ngọc |
Tuy lần đầu tiên tổ chức nhưng giải đã nhận được sự ủng hộ của nhiều Mạnh Thường Quân cho cơ cấu giải thưởng. Riêng ông Phạm Minh Trung-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tặng 10 triệu đồng cho các đội bóng xuất sắc nhất. Do đó, riêng đội xã Glar đạt giải nhất đã nhận được tiền thưởng hơn 10 triệu đồng. Đây là một con số đáng ao ước ngay cả với những giải đấu dành cho nam giới. Ở giải này, đội bóng thị trấn Đak Đoa đã giành hạng 3 sau khi vượt qua đội bóng xã Trang ở trận tranh 3-4. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải thưởng cá nhân cho thủ môn xuất sắc nhất, cầu thủ xuất sắc nhất và cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải.
Trao đổi với P.V, bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa, Phó Trưởng Ban tổ chức giải cho biết: “Giải năm nay đã kết thúc tốt đẹp với sự nỗ lực, cống hiến của các vận động viên. Giải đã thực sự mang lại không khí sôi nổi, vui tươi cho chị em phụ nữ của huyện. Chúng tôi xác định đây là môn thể thao thế mạnh của huyện và giải đấu sẽ được duy trì thường niên, những năm sau quy mô sẽ được nâng lên hơn nữa. Đặc biệt, với phong trào phát triển mạnh mẽ như hiện nay, môn bóng đá nữ sẽ được bổ sung vào chương trình thi đấu của Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số của huyện ”.