Trong khi các mặt hàng rau, hoa đang có đầu ra khá ổn định nhờ việc mở rộng liên kết sản xuất với tiêu thụ, thì giá hồ tiêu tại Tây Nguyên đang rớt thê thảm, khiến nông dân thua lỗ.
Rau, hoa ổn định nhờ liên kết
Nhiều năm trở lại đây, rau và hoa được tỉnh Lâm Đồng xác định là những mặt hàng nông sản chiến lược của địa phương. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay địa phương đã phát triển hơn 51.000ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm khoảng 18% tổng diện tích đất sản xuất.
Rau là sản phẩm chủ lực của Lâm Đồng từ nhiều năm trở lại đây. |
Lâm Đồng cũng là địa phương đi đầu trong mở rộng mô hình doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, hiện có 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, canh tác 278ha, tập trung vào 2 mặt hàng chủ yếu là rau và hoa.
Tỉnh có 68 chuỗi an toàn thực phẩm, trong đó có 35 chuỗi rau, củ quả với 1.144 hộ liên kết, diện tích 1.630ha, sản lượng 151.765 tấn/năm; 3 chuỗi hoa với 818 hộ liên kết, diện tích 236ha, sản lượng 181.000 cành/năm. Những chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn đã dần định hình được ngành hàng chủ lực của địa phương đi đúng hướng, sản xuất gắn liền với tiêu thụ.
Riêng 2 mặt hàng rau, hoa chủ lực của địa phương hiện nay diện tích rau gieo trồng của Lâm Đồng đạt 65.273ha, sản lượng 2,27 triệu tấn/năm (năm 2017 xuất khẩu rau của Lâm Đồng ước đạt 30,37 triệu USD, tương ứng 10.374 tấn rau), trong khi đó có khoảng 8.400ha hoa, sản lượng đạt hơn 3 tỷ cành/năm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chủ động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa với TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên do đó đã góp phần vào quảng bá thương hiệu rau, hoa Đà Lạt và giúp các cơ sở tăng nhanh khả năng tiêu thụ nông sản. Hiện có khoảng 60% sản lượng ứng dụng công nghệ cao được tiêu thụ qua hợp đồng, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung toàn tỉnh là 30%.
Đối với các cơ sở sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, có 100% sản phẩm của các chuỗi được tiêu thụ qua hợp đồng với nông dân và khoảng 80% bán cho các siêu thị, trung tâm thương mại, 20% bán cho các chợ đầu mối. “Riêng mặt hàng hoa, địa phương phấn đấu sẽ đưa Đà Lạt thành điểm sản xuất hoa tập trung hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Dù vậy, hiện mới có khoảng 5% sản lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty trong nước có khả năng khai thác thị trường tốt như Dalat Hasfarm, Bonnie Farm, Apolo, Innova. Với những cố gắng trong cải thiện chất lượng sản phẩm, địa phương đặt ra chỉ tiêu tới năm 2020 sẽ có khoảng 20% sản lượng hoa xuất khẩu ra thị trường thế giới”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.
Hồ tiêu rớt giá
Sau thời gian đạt đỉnh 200.000 đồng/kg, từ năm 2017, giá hồ tiêu tại Tây Nguyên bắt đầu tụt giảm, đến nay có thời điểm thấp nhất chỉ đạt 54.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Kiều Sương, chủ cơ sở thu mua nông sản Kiều Sương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà thu khoảng 500 tấn hồ tiêu với giá trung bình khoảng 55.000 đồng/kg. So với cùng kỳ những năm trước, năm nay lượng thu mua không bằng một nửa, do dân vẫn găm hàng chờ giá. Tỷ lệ hồ tiêu trong dân vẫn còn khoảng 30%. Đặc biệt, nhiều đại gia có vốn, lúc trước đổ xô mua tiêu chờ giá lên, nay tụt giá vẫn kiên quyết ôm hàng chờ giá cao.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, mức giá hồ tiêu thời gian qua dao động từ 52.000 - 55.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà người trồng sẽ bị thua lỗ. “Giá cả tuân theo quy luật cung cầu. Giá hồ tiêu tụt giảm không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà chung trên thế giới. Nguyên nhân rớt là do hồ tiêu quá nhiều, quá thừa mứa. Như năm 2017, số liệu báo cáo của hiệp hội hồ tiêu quốc tế cho thấy, toàn ngành hồ tiêu quốc tế dư thừa đến 100.000 tấn. Tới đây, khi hồ tiêu ở các nước như Indonesia, Malaysia, Brazil bước vào vụ thu hoạch thì sẽ tiếp tục thừa, dẫn đến giá sẽ còn giảm nữa.
Theo ông Bính, trong tình hình giá hồ tiêu thấp như hiện nay, các cấp có thẩm quyền nên khuyến cáo người dân ngưng trồng mới hồ tiêu và tập trung chăm sóc diện tích sẵn có theo hướng hữu cơ. Cần tổ chức lại sản xuất theo hướng nông dân liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp để ổn định đầu vào, đầu ra. Tăng cường chế biến sâu, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết đối với hồ tiêu, các địa phương cần rà soát lại diện tích đất trồng tiêu không phù hợp, diện tích hồ tiêu bị bệnh nặng để khuyến cáo chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn; tập trung thâm canh trên diện tích hiện có, không mở rộng diện tích; áp dụng giải pháp khoa học trong chăm sóc, tưới ước tiết kiệm, giảm thiểu lạm dụng các chất hóa học; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, chế biến, tiêu thụ...
Đoàn Kiên-Hữu Phúc/sggp