Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

guong-mat-tho.jpg

Với kỳ cuối cùng này, tôi muốn giới thiệu một cây bút trẻ của Gia Lai. Chị sống ở huyện Chư Sê, thơ đã đăng ở một số báo và tạp chí uy tín. Giới thiệu chị để kết thúc, tức là mở ra một cánh cửa mới, thế hệ mới, một sân thơ mới của lớp trẻ.

Trúc Phùng trẻ nhưng thơ lại rất già dặn, có cá tính, nhiều suy nghĩ, những suy nghĩ chứng tỏ người làm thơ luôn đau đáu với những câu hỏi, dạng như: “Con hỏi vệt nắng chiều/liêu xiêu ngõ phố/mồ hôi mẹ/quện trên cánh đồng/Con hỏi những bộn bề/ngôi nhà tầng cao vút/có hạnh phúc bằng tiếng cơm sôi/nơi chái bếp”. Và những ký ức, những biến cải, những thăng trầm, những hoài niệm luôn khiến người ta có trách nhiệm hơn với cuộc đời này: “Con như củ sắn, củ khoai/Ủ mình dưới đất cày sỏi đá/Mạ như cơn mưa mùa hạ/Con trở mình, nứt mụt mà vươn”...

Cũng chưa tiên đoán được ngày mai của chị sẽ thế nào, bởi thi ca kỳ thực rất cực nhọc. Nó đòi hỏi ngoài tài năng bẩm sinh, còn nhiều yếu tố nữa, như cần mẫn, đọc nhiều, đi nhiều, khiêm tốn và liên tài, có cả may mắn... Nhưng đọc những gì Trúc Phùng viết, tôi thấy một nội lực thơ khá mạnh của chị, một sự nghiêm túc với chữ.

Không chiều theo cảm xúc đám đông, chị biết biến hóa, biết lặn vào con chữ để chuyển tải ý tưởng, mà khai thác những tâm trạng, từng đột biến cảm xúc, đau đáu với những nỗi niềm quá khứ, cái quá khứ nuôi mình lớn lên, trưởng thành: “Con hành khất cuộc đời/chợt cười tiếng gọi “nhà quê”/ai người phố/chẳng lớn lên từ lũy tre làng”... Vượt ra ngoài vùng đất quen thuộc của mình, chị cũng có những câu hay về vùng đất mới: “Hương rượu nồng, điệu khắp bay/Khau cút/cắm vào lồng ngực/cắm vào đêm trăng”.

Với những gì đã có, hy vọng chị sẽ thành công trên con đường đến với thi ca.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

Cánh anh đào


Thông gõ vào gió xôn xao

Em gõ vào không gian nỗi nhớ

Sang mùa, bảng lảng những chòm mây

Đêm sương, em chuếnh choáng.

1canh-anh-dao.jpg
Minh họa: H.T

Quả hồng rơi, triền dốc

Chạm khẽ, mái ngói rêu phong

Em thổn thức, chừng sợ anh biết

Trong rì rào, đâu chỉ gió và em.


Đêm vang chát

Chỉ em ở lại

Con dốc say, dốc lặng

Nỗi nhớ anh.


Cánh anh đào mỏng manh

Lìa cành,

Để yêu anh!


Cùng miền thương


Mạ ơi! Con chưa biết làm con

Khi con trở thành mạ

Đêm lặng thinh, sâu trùng đôi mắt

Tiếng ru hời, khắc khoải canh thâu.


Trở dạ giữa luống cày ngày rét

Cực thân chi rứa, mạ nờ!

Ngoài cươi, thấp thoáng bóng gầy

Gầy như bóng mạ giữa đồng ngày đông.

1cung-mien-thuong.jpg
Minh họa: Huyền Trang

Con như củ sắn, củ khoai

Ủ mình dưới đất cày sỏi đá

Mạ như cơn mưa mùa hạ

Con trở mình, nứt mụt mà vươn.


Ngày về tháng sáu, nứt nẻ đường cày

Con lần theo hơi gió

Nghe vấn vương mùi cỏ

Tìm mạ giữa bơ vơ...


Gọi


Phố thị chiều nay

có rực vàng

như ụ rơm nhà mình đầu ngõ

rưng rức thơm.


Con hỏi vệt nắng chiều

liêu xiêu ngõ phố

mồ hôi mẹ

quện trên cánh đồng.


Con hỏi những bộn bề

ngôi nhà tầng cao vút

có hạnh phúc bằng tiếng cơm sôi

nơi chái bếp.


Đôi lần muốn bỏ phố

về nằm ườn nghe gà gáy trưa

hít hà khói bếp.


Con hành khất cuộc đời

chợt cười tiếng gọi “nhà quê”

ai người phố

chẳng lớn lên từ lũy tre làng.


Chiều dừng nơi ngã tư

đứa trẻ lạc

giữa phố thị cuộc đời

ước mình đi trên con đường rơm rạ.


Phố lặc lè

con đường ngợp khói bụi

trong phận người thảng thốt

gọi

tiếng mẹ

tiếng quê.

Có thể bạn quan tâm

Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.