Gương mặt thơ: Hoàng Anh Tuấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Anh là một sĩ quan Công an làm thơ, viết truyện, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Quê Nam Định, lên Lào Cai công tác rồi biến nơi đây thành quê sáng tác, anh nhuần nhuyễn như một trai bản thứ thiệt:

nha-tho-hoang-anh-tuan.jpg

“Những chiều tam giác mạch/Cứ dâng hương bẽ bàng/Em quấn xà cạp mới/Đời làm dâu họ Vàng/Những chiều tam giác mạch/Trải hồng ra cuối trời/Áo chàm anh vừa giặt/Vắt nỗi buồn đem phơi”. Tôi yêu cái hành động “Vắt nỗi buồn đem phơi” quá, nó rất là một anh Dao, anh Mông, anh Tày nào đó.

Nhưng ngược lại, cái quê hương máu thịt của anh nó lại cũng đầy ắp trong thơ: “Cháu đi cạn nỗi dại khờ/Vết dao khắc tuổi đến giờ vẫn đây/Tóc bà bạc trắng như mây/Lưng còng quét bóng gốc cây mít già/Bà ơi cây mít của bà/Đợi con chim chích tháng ba có về/Cháu giờ năm tháng xa quê/Còn thương cây mít ngủ mê dưới trời”. Cây mít chính là quê hương, chính là sự dằng dặc tâm tưởng nhớ thương của một người thơ giàu cảm xúc, tràn trề nhớ thương quê hương và ký ức luôn luôn lộng lẫy của mình.

Anh tâm sự: “Tôi làm thơ và chuyển thể thơ mình thành những làn điệu hát chèo, hát văn. Tôi muốn làm một anh kép, một cung văn trong thi ca để cất lên tiếng hát về bà tôi, mẹ tôi, bố tôi, thím tôi… và những người nông dân làng tôi quanh năm chân lấm tay bùn để làm ra củ khoai, hạt gạo. Tôi đã đi rất xa làng Hoành Nha nhỏ bé bên sông Sò, nhưng hồn tôi thì vẫn ở đó, bám rễ vào nguồn cội, chẳng bao giờ rời đi”.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

Vấn vương Bắc Hà

van-vuong-bac-ha.jpg
Minh họa: HT

Vấn vương khói. Vấn vương sương

Vấn vương nhớ. Vấn vương thương. Bắc Hà!

Cao nguyên trắng mận tam hoa

Chiều xanh mái phố, nếp nhà rêu phong.


Rừng hoa hò hẹn bầy ong

Suối trong ru mảnh trăng cong cuối trời

Rượu ngô núi đá mềm môi

Tay em gặt lúa nương đồi bừng hương.


Chợ phiên họp kín ven đường

Người đi bán nhớ, mua thương dập dìu

Con trai, con gái bản Mèo

Nắm đuôi con ngựa mà theo nhau về.


Vườn đào nằm gối vườn lê

Nắng thoa hồng má, gió se ngọt dần

Giêng hai phơi váy ngoài sân

Tiếng khèn gọi bạn khi gần... khi xa...


Ngược sông lên tới Bắc Hà

Tình người quyện với tình hoa thắm nồng

Bắc Hà-sơn nữ chưa chồng

Để tôi xuống núi sinh lòng tương tư...


Hoa quỳnh

hoa-quynh.jpg
Minh họa: HT

Hoa quỳnh nở nắng vườn đêm

Ánh trăng mười bốn ướt thềm nhà tôi

Tưởng rằng mẹ đã ngủ rồi

Tay còn xâu gió mà ngồi khâu hương.


Mẹ nằm thức trọn canh trường

Hương qua cửa sổ đầu giường giăng tơ

Mẹ vừa gặp bố trong mơ

Cánh màn nhiễu đỏ bàn thờ khói bay.


Hoa quỳnh thơm suốt đêm nay

Ánh trăng có tỏ nghìn ngày cách xa

Tôi ra nhặt những bông già

Sớm mai rụng xuống vườn nhà như sao.


Câu Kiều mẹ hát thuở nào

Hoa quỳnh vườn Thúy thơm vào lời ru

Bố chờ thời khắc sang thu

Ấm trà rót tiếng chim gù tràn sông.


Cây quỳnh năm ấy bố trồng

Đêm rằm vẫn nở từng bông trắng ngần

Tôi về bắc ghế ngoài sân

Uống trà với gió phù vân ngang trời...


Cây mít của bà

cay-mit-cua-ba.jpg
Minh họa: Đoàn viên

Bà trồng cây mít đầu hồi

Mùng năm sai cháu quệt vôi một lần

Bóng hè tỏa mát góc sân

Tiếng con chim chích trong ngần nắng trưa.


Tháng ba hoa nở cùng mưa

Mưa hay nước mắt ngày xưa nàng Kiều

Bà tay chổi quét sớm chiều

Bao nhiêu khó nhọc rụng nhiều như hoa.


Bà đem quả chín bổ ra

Tấm lòng thơm thảo chia qua bên rào

Đêm rằm bay giữa trăng sao

Gió đưa hương mít thơm vào giấc mơ.


Cháu đi cạn nỗi dại khờ

Vết dao khắc tuổi đến giờ vẫn đây

Tóc bà bạc trắng như mây

Lưng còng quét bóng gốc cây mít già.


Bà ơi cây mít của bà

Đợi con chim chích tháng ba có về

Cháu giờ năm tháng xa quê

Còn thương cây mít ngủ mê dưới trời...


Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.