Giúp học sinh rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được xem như một hoạt động ngoại khóa của các nhà trường để giúp học sinh trải nghiệm thực tế.

Chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 12 đã giúp nhiều học sinh ở TP. Pleiku nâng cao kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp khi sự cố cháy, nổ xảy ra.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas. Ảnh: R.H

Học sinh Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas. Ảnh: R.H

Chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH đã thu hút 580 học sinh của 4 trường học trên địa bàn TP. Pleiku gồm: THCS Trần Phú (phường Trà Bá), Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Diên Hồng), Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring) và Tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Yên Thế) tham gia. Trong khuôn khổ hoạt động trải nghiệm, các em học sinh được lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH truyền đạt kiến thức pháp luật và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt là kỹ năng xử lý các tình huống ban đầu khi có cháy, nổ xảy ra và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở hộ gia đình, nhà chung cư, nơi tập trung đông người… Bên cạnh đó, học sinh còn được trải nghiệm, thực hành kỹ năng chữa cháy và CNCH như: kỹ năng cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói; thực hành thoát nạn trong không gian hạn chế; thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay, chăn chiên tẩm ướt để dập tắt các đám cháy do rò rỉ khí gas; thực hành phun nước tiêu điểm, rải vòi chữa cháy; sử dụng thang dây trong CNCH.

Trò chuyện với chúng tôi, em Phan Ngọc Nhã Phương (lớp 8.6, Trường THCS Trần Phú) chia sẻ: “Qua chương trình, em tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích. Đây là hành trang cơ bản giúp em bảo vệ bản thân và gia đình khi có cháy, nổ xảy ra”.

Còn em Nguyễn Hồ Bảo Ngọc (lớp 8.7, Trường THCS Trần Phú) thì bày tỏ: “Em rất vui khi tham dự chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH. Chương trình giúp em có thêm kiến thức, kỹ năng về PCCC và cách thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn”.

Quang cảnh chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: R.H

Quang cảnh chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: R.H

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 298 vụ cháy, làm 11 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 80 tỷ đồng và khoảng 167 ha rừng. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Phương-Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Phú: Đây là hoạt động ý nghĩa và có tính thực nghiệm rất cao, giúp học sinh trang bị những kỹ năng cần thiết khi có tình huống cháy, nổ xảy ra. “Mong rằng hoạt động này tiếp tục được nhân rộng tại các trường học khác trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC. Nhà trường cũng mong muốn tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế khác để giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích”-cô Phương cho biết.

Còn cô Phùng Thị Thục-Tổ trưởng chuyên môn khối 3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn thì cho hay: Thời gian qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng tránh tai nạn thương tích. Chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH giúp học sinh trải nghiệm và nắm bắt kỹ năng PCCC-CNCH.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH-thông tin: Chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH được xem như một hoạt động ngoại khóa của các nhà trường để giúp học sinh trải nghiệm thực tế. Bắt đầu từ năm 2024, định kỳ hàng quý, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH sẽ tổ chức chương trình này và không hạn chế số lượng người tham gia.

Có thể bạn quan tâm

Đón con cổng trường

Đón con cổng trường

(GLO)- Đi ngang qua cổng một trường tiểu học trong thành phố, tôi thấy những chiếc xe máy của phụ huynh được dựng ngay ngắn, đầu xe hướng xuống đường, tuần tự xe trước xe sau. Hình ảnh ấy đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ.

Đổi mới giáo dục từ sáng tạo đồ dùng dạy học

Đổi mới giáo dục từ sáng tạo đồ dùng dạy học

(GLO)- Sáng tạo đồ dùng dạy học để phục vụ công tác giảng dạy là giải pháp mà nhiều trường mầm non ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đang thực hiện. Không chỉ phát huy được năng lực của đội ngũ giáo viên, hoạt động này còn góp phần đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục toàn diện.

Giảm tải cho học sinh

Giảm tải cho học sinh

Không phải ngẫu nhiên mà phát ngôn mới đây của lãnh đạo vụ chức năng thuộc Bộ GD-ĐT về việc 'bắt buộc' dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT lại làm dậy sóng dư luận đến vậy.