Giữ cho được giá trị thổ cẩm Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữ gìn và phát huy các giá trị thổ cẩm Việt Nam không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.



Tối 24-11, tại khu Đảo Nổi - TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 và đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông - mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa, xúc tiến đầu tư và du lịch.

Trân quý nghề dệt thổ cẩm

Trong khuôn khổ lễ hội, tại khu vực triển lãm Không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với các nghệ nhân để tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của nhiều dân tộc.

Bà Ka Mom, dân tộc Châu Mạ (ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), cho biết toàn xã có hơn 500 chị em biết dệt thổ cẩm, trong đó có những gia đình cả 3 thế hệ cùng làm nghề. Mấy năm trước, bà Ka Mom đã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm với 15 thành viên. Các thành viên được Hội Phụ nữ cho vay 5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, 1 năm sau thì Hội Phụ nữ thu hồi vốn và tổ hợp tác cũng tan rã. Giờ thì mạnh ai nấy làm, tự dệt, tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bà Ka Mom kể, để dệt được 1 tấm vải làm áo, bà phải mất hơn 1 tuần. Trong khi đó, 1 cái áo chỉ bán được khoảng 800.000 đồng, chưa kể chi phí nên hầu như không ai sống được bằng nghề. Dù vậy, đây là nghề mà bà yêu thích, muốn giữ gìn bản sắc dân tộc nên không bỏ được. Mỗi khi có ai đó tới mua sản phẩm, bà Ka Mom vui lắm. "Cần có quy định đối với những ngày lễ, Tết, ngày hội thì yêu cầu phải mặc đồ thổ cẩm để giữ gìn, lan tỏa văn hóa dân tộc" - bà Ka Mom nói.

Còn theo bà Lâm Nữ Minh (dân tộc Chăm), bà là 1 trong 80 hội viên của HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Hiện nay, trừ các chi phí, mỗi tháng hội viên thu nhập được 1,5 triệu đồng/người. Theo bà Minh, trong HTX, chủ yếu là cùng nhau sinh hoạt cộng đồng, cùng nhau bảo vệ thổ cẩm người Chăm chứ thu nhập rất thấp. Trừ một số ít yêu thổ cẩm dân tộc, người trẻ hầu như không còn ai theo nghề mà vào các TP làm công nhân, bởi thu nhập cao hơn. Sản phẩm làm ra chỉ bán cho khách du lịch nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên ế khách.

"Với thu nhập như vậy, chúng tôi không thể tự đưa sản phẩm của mình đi quảng bá, giới thiệu. Do đó, mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động như lễ hội này để được hỗ trợ đưa các sản phẩm đi giao lưu, học hỏi và bán được sản phẩm. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc dùng để làm ra sợi vải, còn đã là thổ cẩm người Chăm thì phải được dệt bằng tay. Quan trọng nhất là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Khi sản phẩm lưu thông, sống được bằng nghề, tự khắc nghề sẽ được bảo tồn, phát triển" - bà Lâm Nữ Minh kiến nghị.


 

Các nghệ nhân dệt thổ cẩm tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2



Đưa thổ cẩm ra khỏi buôn làng

Trong những năm qua, công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm được một số tỉnh, thành chú trọng, thông qua hình thức tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Qua đó, nhiều người đã biết dệt, nhiều người trẻ đã ý thức được việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, hội nhập đã làm biến đổi những tinh hoa văn hóa. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngày càng ít, số nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy cũng đã lớn tuổi hoặc đã mất. Không còn mấy người tâm huyết, mặn mà với nghề nữa mà đi tìm kiếm các công việc khác để kiếm sống, dẫn đến đội ngũ kế thừa rất hạn chế.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định: "Chính thổ cẩm đã góp phần tạo nên tình đoàn kết và sự đa dạng về bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em, là cầu nối văn hóa giữa chúng ta và bạn bè quốc tế. Chúng ta hãy chung tay đưa thổ cẩm Việt Nam tới gần với người dân hơn, tiếp cận du khách, đặc biệt là các du khách quốc tế, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thổ cẩm Việt Nam ra thế giới".

Để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, cần phải có sự cải tiến sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng phải bảo đảm lưu giữ được giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo động lực khuyến khích đồng bào tự thân tìm kiếm thị trường tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay gian hàng bán lẻ thổ cẩm; tổ chức liên kết vùng với các HTX, CLB hay các công ty kinh doanh thổ cẩm để tìm kiếm thị trường, nắm kỹ hơn về thị hiếu và sự quan tâm của khách hàng với các loại sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông.

 


Công viên địa chất toàn cầu thứ 3 của Việt Nam

Tối cùng ngày, Tổ chức UNESCO chính thức trao bằng chứng nhận Công viên địa chất toàn cầu cho Công viên Địa chất Đắk Nông. Như vậy, Công viên Địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu thứ 3 tại Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước (tỉnh Cao Bằng) và là thành viên chính thức trong 161 công viên địa chất toàn cầu. Đây là danh hiệu di sản cao quý của UNESCO, vinh danh một khu vực tự nhiên có đầy đủ giá trị về khoa học địa chất, vẻ đẹp thiên nhiên, độc đáo về văn hóa và đa dạng về hệ sinh thái.


Bài và ảnh: Cao Nguyên
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.