Giọt máu đào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Tôi gấp vội mấy bộ quần áo, quơ ào mớ đồ dùng cá nhân lặt vặt, bỏ hết vào va li. Lòng tôi trống rỗng khi nghe tin cha mất. Không đau xót, không nhớ thương. Nhưng sao lại có điều gì đó thúc giục khiến tôi vội vàng.
Mới sáng nay thôi, khi nghe người bà con xa điện báo tin, tôi còn dửng dưng. Một chút mảy may xúc động cũng không có. Tâm hồn tôi, tình cảm của tôi với ông đã đóng băng từ lâu rồi, từ cái ngày ông bỏ mặc mẹ con tôi côi cút, bơ vơ giữa bao sóng gió cuộc đời. Có ai trông mong tôi nơi đó, nơi tôi đã từng được sinh ra và lớn lên, nơi tôi đã sống suốt quãng tuổi thơ dài cơ cực với bao lời lẽ cay nghiệt, những ánh mắt ghẻ lạnh, soi mói? Tôi đã thề không quay trở lại đó nữa, nó chỉ làm tôi đau. Tôi ngồi thừ ra giường, lòng bỗng rưng rưng.
*
- Thằng Kiệt, thằng Kiệt đâu? Ra mà đón cha mày về này.
Tôi đang ngồi ngoài sân nghịch đất, nặn chơi pháo nổ với mấy đứa trẻ hàng xóm thì nghe tiếng bà nội gọi lớn ngoài đầu ngõ. Vừa kịp ngẩng lên thì bà đã vào đến nơi. Bà nhổ toẹt miếng trầu xuống ngay cạnh chân, đưa tay vuốt nước trầu đỏ còn vương quanh miệng.
- Úi giời, mày đi rửa ráy chân tay cho sạch đi. Hôm nay cha mày về đón mày lên Hà Nội đấy. Nhà gạch to đẹp, ăn trắng mặc trơn, chứ đâu nhà đất mái tranh thấp lè tè như cái chuồng gà thế này.
Thực sự ngày đó tôi chưa hiểu lắm những so sánh mỉa mai của bà. Tôi còn đang sợ thì ông ấy bước vào. Bà ẩy tôi ra vại nước kêu tôi rửa chân tay cho sạch sẽ. Tôi lóng ngóng làm theo. Xong rồi bà lại ẩy tôi ra đứng trước mặt ông, giục:
- Chào cha đi! Đợt này cha mày về đón lên hẳn Hà Nội ở. Sướng phải biết.
Ông ngoắc tay:
- Lại đây!
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Ông cố mỉm cười kêu tôi lại gần, nhưng tôi thì sợ hãi, lấm lét đưa mắt nhìn. Phải, ông ấy là cha tôi. Lâu lâu ông ấy mới về và cũng chỉ tạt qua một lúc, kịp để cho nước mắt của mẹ tôi lăn dài tức tưởi, tủi hổ nhưng không kịp lưu vào trí nhớ thơ bé của tôi hình ảnh của ông. Chưa bao giờ ông bế tôi trên tay hay xoa đầu tôi như cha của mấy đứa trẻ trong xóm. Trong tôi, cha chỉ là một người lạ lẫm.
- Lát nữa anh đưa nó về nhà u nhá! U về trước bắt con gà làm thịt.
- Vâng, u về đi, tôi về sau.
Bà về rồi, bọn trẻ con cũng tản đi từ lúc nào. Chỉ còn một mình tôi trơ lại ở đó, sợ sệt nhìn ông. Ông nắm tay tôi kéo đi. Tôi run rẩy, chực khóc.
- Ông buông thằng bé ra! Ông định đưa nó đi đâu?
Ông giật mình nhìn ra, buông tay tôi. Tôi vội vùng chạy tới nép sau mẹ. Có lẽ ai đó đã chạy ra ngoài đồng báo cho mẹ biết. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tức giận như vậy.
- Mày có nuôi nổi nó đâu. Rách rưới, bẩn thỉu. Mày nhìn thằng bé xem, đầu tóc xơ xác, tay chân cáu bẩn, quần áo không có cái nào ra hồn. Để tao đưa nó đi, cho ăn sung mặc sướng rồi còn cho nó học hành nữa.
Mẹ nghe ông nói vậy thì mắt nhìn tôi ngân ngấn nước, không nói lên lời.
- Mày đưa nó cho tao thì không phải khổ sở nữa, sau này coi như được rảnh rang. Cũng đừng lên tìm nó…
Ông chưa kịp nói hết, mẹ đã lao đến xô mạnh vào ông, đẩy ông ra ngoài cổng. Mẹ hét lên:
- Cút! Cút đi! Ông không được cướp con tôi. Nó là con của tôi, đói khổ cỡ nào tôi cũng nuôi nó.
Tôi sợ hãi co rúm người lại. Ông tức giận hằn học nhìn mẹ. Trước khi bỏ đi còn buông lời cay nghiệt:
- Mày nhớ lấy. Từ nay ông không thí cho một đồng một cắc nào nữa, xem chúng mày có đói rã họng ra không?
Mẹ ngồi bệt xuống sân đất, ôm tôi vào lòng khóc. Tôi luống cuống đưa đôi bàn tay nhỏ xíu còn dính đất ở các đầu móng lau nước mắt cho mẹ.
*         
Tôi ngày đó chừng sáu, bảy tuổi. Nhỏ xíu nhưng đã có chút ấn tượng mơ hồ về cha và sự đau khổ của mẹ. Lần ông chuyển hẳn về quê là lúc tôi đã mười lăm. Mẹ không còn phải lo lắng tôi sẽ bị ông bắt đi nữa và ông cũng thừa biết, sẽ chẳng bao giờ có được tôi khi tôi đã đủ lớn để hiểu những gì ông gây ra cho mẹ. Ông ở cùng vợ con trong một ngôi nhà ngói khang trang, hướng mặt ra đường lớn, quay lưng với ngôi nhà lá của mẹ con tôi. Mỗi bữa cơm, tôi có thể nghe thấy mùi thức ăn thơm nức từ phía nhà ông bay sang. Tôi nghe thấy tiếng các con ông mời cơm cha mẹ, tôi thấy mẹ nén tiếng thở dài, kéo vạt áo quay đi chấm nước mắt. Ngày ấy, ông cưới mẹ về làm lẽ nhưng thực chất chỉ muốn mẹ đẻ cho thằng con trai. Khi việc cướp lấy tôi và rũ bỏ mẹ không thành, ông đâm ra tức tối và làm những việc mà tôi đã thề sẽ không bao giờ tha thứ. Ông đến chỗ tôi làm thêm đặt điều này kia mong họ đuổi tôi. Ông xuống cả Ủy ban nhân dân xã dùng quan hệ, tiền bạc ép họ không được xác nhận tôi và mẹ thuộc hộ nghèo để tôi không được miễn giảm học phí, để tôi không đủ sức đi học và sẽ phải quay lại cậy nhờ ông. Như vậy, tôi sẽ về bên ông, ngoan ngoãn làm đứa con trai độc nhất của ông, sẽ nghe theo sự sắp đặt của ông mà rời bỏ mẹ tôi. Nhưng ông đã nhầm, đời nào một đứa con chịu rời bỏ mẹ mình, dù người mẹ ấy có nghèo xơ nghèo xác, để đi theo một người chỉ để lại trong ký ức nó những giọt nước mắt khổ đau, những tủi hờn, uất nghẹn.
Năm tôi học lớp 12, mẹ tôi bất ngờ đổ bệnh, cần tiền chữa chạy. Tôi loay hoay và cuối cùng phải tìm đến ông cầu cứu. Đáp lại sự lo lắng của tôi chỉ là cái cười khẩy đầy thỏa mãn của ông.
- Cứ tưởng mẹ con anh chẳng bao giờ cần tôi. Nhưng tiền tôi còn để nuôi vợ con tôi chứ.
Để mặc tôi ngồi ngoài hiên cửa, ông quay vào nhà ngồi lên chiếc tràng kỷ, vắt chân kéo thuốc lào. Hình ảnh đó đeo bám tôi mãi đến tận bây giờ. Chính lần ấy, ông đã tự tay cắt đứt mối liên hệ mong manh giữa tôi và ông. Mẹ tôi gắng gượng vừa đến khi tôi học xong thì mất.
Chẳng còn gì để níu kéo tôi ở lại nơi đó. Tôi bỏ đi thật xa. Hành trang là vài bộ áo quần và niềm uất hận. Tôi thề là sẽ không bao giờ trở về, không bao giờ nhìn lại con người đó.
Vậy mà hôm nay nhận được tin về ông, tôi lại nhớ lời mẹ trước khi mất: “Dù gì ông ấy vẫn là cha của con”. Không phải tôi đã tha thứ cho ông nhưng tôi không muốn trái lời mẹ.
Tôi về đến nơi, đám tang ông đã gần xong. Nơi nghĩa trang, mọi người đã lục đục kéo về. Không cảm xúc, tôi đứng từ xa nhìn. Khi chỉ còn mình ông nằm lại đó với những vòng hoa xếp đầy quanh mộ, tôi tiến đến. Thời gian nhanh thật, tôi đã ra đi mười lăm năm tròn. Trong khoảng thời gian đó, có bao giờ ông nhớ đến tôi, có bao giờ ông ân hận vì đã đối xử với mẹ con tôi như vậy? Bỗng có tiếng ai đó từ phía sau:
- Kiệt đó phải không cháu? Cuối cùng cháu cũng trở về.
Bà cô già của tôi lấy tay lau giọt nước mắt đang rỉ ra từ kẽ mắt kèm nhèm, lặng lẽ cắm thêm nén nhang lên ngôi mộ vẫn đang nghi ngút khói hương, rồi lẩm bẩm:
- Mấy năm nay, ông ấy đau bệnh rồi lẩn thẩn, cứ nhắc cháu luôn, gặp ai cũng thằng Kiệt, thằng Kiệt. Trước lúc mất ông ấy gọi tên cháu nhiều lắm…
Bà cô cứ chầm chậm kể, tai tôi như ù đi, tưởng như đang nghe thấy hơi thở nhọc nhằn và giọng nói ngắt quãng từng cơn của ông: “Kiệt ơi, con về đi. Cha sai rồi. Về đi con ơi…”.
Tôi ngồi thụp xuống bên mộ ông, bật khóc.
Lê Phượng

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.