Gió bấc khôn nguôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những ngày tháng mười thật lạ. Giữa lành lạnh cơn bấc đầu mùa, trái tim như run rẩy bởi bao xao động ngân lên trong tiềm thức. Ký ức như ánh đèn tỏa quầng sáng ấm áp và diệu vợi trong đêm. Có một khoảng trời mà tôi đã gói ghém thật nhiều thương nhớ riêng dành cho mẹ. Để rồi khi đi qua bao đắng ngọt vui buồn, hình bóng mẹ vẫn lặng thầm lấp đầy những trống trải trong tôi. Dù biết mình thật nhỏ bé giữa thế gian bao la này nhưng tôi mãi là tất cả của mẹ.
Tháng mười, những khuya mất ngủ trời đầy sao, gió lang thang ngoài hiên gợi một nỗi riêng tư man mác, tôi thường nghĩ về mẹ. Sự tĩnh lặng của đêm như khỏa lấp mọi ngõ ngách trong tâm hồn. Đó là khi những sâu xa kín đáo từ bên trong được cất tiếng. Những nỗi buồn thổn thức như loài hoa nở về đêm ngây ngất một làn hương cũ. Đâu đó ngoài khóm lá mơ hồ vọng lại tiếng vỗ cánh của loài chim ăn đêm. Lòng tôi tự hỏi, cái lạnh đầu mùa có len vào giấc ngủ của mẹ, gió sương ngoài trời có làm mẹ thao thức bởi những tiếng kêu khớp rã rời-thanh âm của bao tháng ngày lặn lội áo cơm? Đêm của mẹ như dài thăm thẳm, là vì nỗi bận lòng về đứa con ở một phương trời khác hay bề bộn xót xa những thất bát mùa màng? Gió tràn hun hút qua cánh đồng, có phải tóc mẹ bạc dần từ những khuya lạnh gió trở chông chênh?
Tháng mười, tôi gặp lại mùa lau trắng trong những hình dung cũ. Một loài cây âm thầm bén rễ vào hoang vu, mong manh như một lời hẹn cuối. Gió thổi ngàn lau kể chuyện viễn du, giăng vào lòng người những tàn phai, xoáy buốt. Tôi nhớ dáng mẹ về giữa chạng vạng mưa dầm, ống quần bết ướt vương những cánh hoa lau. Nhớ ô cửa sổ trông ra vạt đồi bàng bạc lau trắng, giữa màn sương thanh mảnh như hơi thở của mùa. Mẹ thường ngồi lặng lẽ vá áo sau ô cửa ấy. Còn tôi, trầm tư bên mẹ nhìn ra mảnh trời lưng lửng bóng mây, mông lung mơ về những chân trời lạ. Tóc mẹ màu lau trắng, tóc tôi màu đêm đen, tôi đâu biết một ngày mình như cánh chim lạc lối, giữa xa xôi nhớ mẹ phải quay về. “Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Bóng mẹ nhòa vào hoàng hôn lấp lửng lưng đồi, gió vẫn ràn rạt thổi suốt mùa lau…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tháng mười, tôi ra trước hiên nhà trông theo những đàn chim di trú. Lặng lẽ và mải miết, cánh chim bạt gió mang theo những câu chuyện mùa màng qua bao vùng đất lạ. Tôi thường tự hỏi, đường xa mỏi cánh có làm đàn chim di trú nhớ một quãng đồng xanh, một vạt rừng thẳm từ nơi chúng đã bay đi? Chúng đến từ đâu và sẽ về đâu, cạm bẫy suốt dặm dài sương gió có làm cánh chim nào bị bỏ lại? Thế gian này, dù là những cuộc dứt mình ra đi hay xé gió quay về, thì đều ứa nghẹn bao niềm nỗi bể dâu.
Có những chiều tháng mười, tôi ngồi đợi một tiếng chim ngày cũ. Chưa bao giờ tôi thấy được hình dáng loài chim ấy, chỉ nhận ra một giọng hót như lạ như quen, vút lên bất chợt rồi cứ hoài lẻ loi, da diết. Những cái tên mà người đời đặt cho chúng cũng vô định theo giọng hót, có thể là “bắt cô trói cột”, cũng có thể là “chín cô bốn chục”, “năm trâu sáu cọc”… Tôi về bâng quơ hỏi mẹ, người lại nghe từ giọng hót đó một nỗi “thương con xót ruột”, giữa thăm thẳm rừng chiều. Ngày tôi khăn gói đi xa, những giấc mơ đôi khi sẩy ra khỏi chiếc lồng phố thị, trở về ngọn đồi sương khói tìm lại tiếng chim thuở nào. Mường tượng những ngày gian nhà chỉ có bóng mẹ, tháng mười hiu hiu cơn bấc, hẳn là tiếng chim đã hòa vào tiếng lòng của mẹ, nghe thấm thía khôn nguôi. “Thương con xót ruột!”, “thương con xót ruột!”, tiếng kêu sao day dứt vô cùng.
Tháng mười, rêu đã xanh dấu chân về ngõ nhỏ. Vẫn tiếng bò kêu ngơ ngác trong những chiều nắng nhạt, vạt rau đắng non mướt sau mưa. Vẫn buồng chuối vườn chín vàng quá nửa, ổ trứng tròn xoe bóng gà mẹ ôm nằm. Và thiên đường đôi khi chỉ là một chỗ ngồi bên mẹ, dẫu ngoài trời gió lạnh từng cơn.
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.