“Gieo mầm” văn hóa đọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Không hề tình cờ khi Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) 2 năm liền là tập thể có nhiều thí sinh đạt giải nhất tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh. Bằng quyết tâm và tâm huyết của tập thể sư phạm nhà trường, văn hóa đọc đã phát triển mạnh mẽ, tạo động lực trong đổi mới phương pháp dạy và học.

Cô Đinh Thị Dua-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ-thông tin: Tại cuộc thi năm 2022, nhà trường có 10 thí sinh đạt giải, trong đó có 2 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Năm 2023, học sinh của trường đạt 7 giải trong đó có 3 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích.

Gặp những “đại sứ” nhỏ tuổi

Thời điểm tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh năm 2023, Nguyễn Kim Ánh Bích mới là học sinh lớp 4C song đã sáng tác những câu thơ rất đáng yêu để khích lệ thói quen đọc sách. Bích đọc 4 câu em tâm đắc nhất trong bài thơ vừa được trao giải nhất nội dung “Bài thơ khuyến đọc hay nhất”: “Này các bạn nhỏ mọi nơi/Cùng nhau đọc sách như tôi mỗi ngày/Chúng ta cùng chắp cánh bay/Như bầy chim nhỏ bay vào tương lai”.

Từ giải khuyến khích năm ngoái vươn lên đạt giải cao nhất năm nay, với Bích đây là niềm vui lớn. Em cho hay, bản thân xây dựng được thói quen đọc sách nhờ thường xuyên đến thư viện trường. Mỗi tối em còn dành 10-15 phút đọc truyện cho em 4 tuổi nghe. “Sách đồng hành với ta suốt cuộc đời và chúng ta có thể học được từ sách nhiều điều mới, rèn trí thông minh, sáng tạo”-cô học trò nhỏ chia sẻ những nghĩ suy chững chạc về sách.

Các “Đại sứ văn hóa đọc” Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, huyện Ia Grai. Ảnh: L.N

Các “Đại sứ văn hóa đọc” Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, huyện Ia Grai. Ảnh: L.N

Trong khi đó, Hồ Trần Bảo Trâm (học sinh lớp 5 tại thời điểm dự thi) giữ vững thành tích 2 năm liền đạt giải nhì cuộc thi cấp tỉnh cũng ở nội dung “Bài thơ khuyến đọc hay nhất”. Yêu thích những cuốn sách về thiên nhiên cũng như các tác phẩm văn học thiếu nhi, Trâm bày tỏ: “Sách giúp em hoàn thiện tư duy, thêm nhiều hiểu biết. Sách cũng giúp em học tập tốt hơn, nhất là môn Ngữ văn”.

Nhìn em Vũ Nguyễn Phương Chi ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nơi bàn đọc của thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, ít ai nghĩ rằng cô học trò năm nay lên lớp 2 này đã “tiêu thụ” được một lượng sách, truyện thiếu nhi khá lớn. Tại cuộc thi năm nay, bằng trí tưởng tượng phong phú của trẻ thơ, Chi đạt giải nhì nội dung “Câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay nhất” với truyện “Sóc Nâu ham học”. Chi tự tin chia sẻ: “Ở nhà, con hay đọc truyện, mọi người đều khen con chăm chỉ. Con còn được thầy cô thưởng 5 quyển truyện cổ tích Việt Nam. Con thích phần thưởng này lắm, sang năm con sẽ thi tiếp”.

Nhiều giải pháp hay, sáng tạo

Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: Phát triển văn hóa đọc là hoạt động hết sức cần thiết trong đổi mới phương pháp dạy và học, hướng các em học sinh đến những giá trị cao đẹp trong cuộc sống, phát triển nhân cách, nuôi dưỡng ước mơ. Để làm được điều này, thầy-cô giáo phải là người đi đầu, là tấm gương trong việc đọc sách, từ đó xây dựng và hình thành cho các em thói quen bổ ích này. Nhằm tạo cơ hội cho học sinh chủ động tiếp cận với sách, sau từng bài học ở lớp, giáo viên còn hướng dẫn các em tự tìm kiếm tài liệu tại thư viện trường.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Ia Grai) được trao giải trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất tại cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: Lam Nguyên

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Ia Grai) được trao giải trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất tại cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: Lam Nguyên

Cô Dua cho biết thêm: Nhiều năm qua, nhà trường luôn quan tâm phát triển đội ngũ cộng tác viên thư viện, gồm nhiều giáo viên, học sinh có niềm ham thích với sách. Đây là yếu tố quan trọng trong lan tỏa văn hóa đọc. Hàng tuần, cộng tác viên thư viện đều đặn phối hợp với thủ thư lựa chọn những cuốn sách hay, ý nghĩa, theo từng chủ đề, chủ điểm để giới thiệu trước cờ cho học sinh toàn trường. Trường cũng chú trọng bổ sung thêm nhiều đầu sách mới, đặc biệt là truyện song ngữ, nâng tổng số đầu sách các loại tại thư viện lên con số 11.741.

Hàng năm, trường trích trên dưới 20 triệu đồng từ kinh phí chi thường xuyên và phí dạy học 2 buổi/ngày để đầu tư cho thư viện. Lượng sách tại thư viện ngày càng phong phú nhờ phát động phong trào quyên góp truyện về thư viện góc lớp. Mỗi lớp đều xây dựng 1 thư viện di động có gắn bánh xe, cứ 1-2 tuần lại luân chuyển sách giữa các lớp, các khối, tạo sự hào hứng cho học sinh. Thư viện ngoài trời, thư viện chân cầu thang cũng được đầu tư, trang trí, giúp học sinh đến với sách một cách vô cùng tự nhiên.

Thêm một bí quyết được Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ nhằm phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong môi trường học đường, đó là tổng kết, đánh giá, khen thưởng kịp thời. Trước khi tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh, trường thành lập hội đồng chấm bài sơ khảo, chọn bài thể hiện tốt mới gửi tham gia dự thi. Những em đạt giải cấp trường sẽ được trao giải vào dịp tổng kết cuối năm học; các em đạt giải cuộc thi cấp tỉnh sẽ được khen thưởng tại lễ khai giảng năm học mới sắp tới. Nhà trường cũng không quên khen thưởng giáo viên chủ nhiệm có học sinh đạt giải và đặc biệt là thủ thư.

Có thể thấy, trong khi một số đơn vị còn xem nhẹ vai trò thủ thư thì người nắm giữ vị trí này ở Trường Tiểu học Nguyễn Huệ lại rất được coi trọng. Trong năm 2022, thủ thư Trần Thị Lệ Thu còn có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp huyện với đề tài “Làm thế nào để thu hút bạn đọc đến thư viện”.

Cô Thu trao đổi các giải pháp như: hướng dẫn học sinh chọn sách phù hợp, từ đó có cách đọc hiệu quả, phục vụ tốt việc học tập; phối hợp chặt chẽ với tổ cộng tác viên giới thiệu sách hay, sách mới trong giờ chào cờ; trang trí thư viện ngoài trời. Cùng với đó, chú trọng luân chuyển sách với Thư viện tỉnh, huyện 1 tháng/lần để kho sách luôn mới… Bằng các giải pháp “tổng lực” và sự quan tâm sát sao trong phát triển văn hóa đọc, nhà trường đã giúp học sinh xây dựng một thói quen tốt, nhất là chủ động tiếp cận tri thức để “làm giàu” vốn sống, vốn kiến thức cho bản thân-một yêu cầu quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy và học.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.