Trong khi nhiều vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Tây xứ Nghệ hay vùng Cao nguyên đá Hà Giang đang từng ngày thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thì tại xã Yên Lỗ (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn), từ nhân dân đến chính quyền đều đang chỉ mơ ước về con đường thoát khổ...
1/3 xã chưa có điện
Tôi vào Yên Lỗ đúng ngày mưa. Vậy thành ra lại hay vì tìm ai cũng dễ. Bởi tất cả mọi người đều tập trung ở khu vực trung tâm xã, chẳng ai đi đâu được do đường xấu và rất nguy hiểm.
Chủ tịch xã Lâm Văn Chính (sinh năm 1982) chẳng cần phải sổ sách gì, chậm rãi kể về xã mình tường tận: Xã Yên Lỗ có 9 thôn, 3.100 người, 671 hộ, chủ yếu là 2 dân tộc Dao và Nùng sinh sống, trên diện tích 7.574ha. Trong đó, có 300 thanh niên, đã rủ nhau đi làm công nhân ở các khu công nghiệp ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Thường thì đến tết âm lịch hay vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch mới về. Ở xã hầu như không có người địa phương khác đến lập nghiệp, chỉ có công an và giáo viên được phân công nhiệm vụ đến đây làm việc thôi.
|
Người dân hàng ngày phải đi qua cầu tre nguy hiểm. Ảnh: Gia Tưởng |
"Mình đã từng gắn bó ở Yên Lỗ nhiều thời gian. Là lãnh đạo thấy bà con đi lại khó khăn, học sinh qua sông bằng cầu tạm, bằng bè thực sự là xót xa lắm!". Ông Hoàng Văn Chung - Phó Chủ tịch huyện Bình Gia |
Ông Lâm Văn Chính bổ sung minh chứng về sự khổ ở xã mình khi cho biết thêm: "Cuối xã có cầu Pắc Ma thuộc Bản Mè, bắc qua sông Bằng Giang, cầu được làm bằng gỗ ván ghép và tre, bán ngập dưới nước vào mùa cạn. Vào mùa mưa lũ thì học sinh, nhân dân phải cõng nhau lên bè, rồi đu dây thép để qua sông. Người ngã xuống sông nhiều đến mức không kể được hết. Nếu là người trong xã mỗi lần đi qua cầu phải đóng 5.000 đồng, còn người lạ thì đóng 20.000 đồng, học sinh đi học thì gia đình đã phải đóng từ 200 - 300 nghìn mỗi năm. Cứ lần nào nước sông dâng to thì học sinh đều phải nghỉ học đồng loạt".
Những con số mà Chủ tịch xã Yên Lỗ cung cấp về đời sống của người dân mà khiến cho chúng ta phải suy ngẫm: Trong xã có 9 thôn, thì có tới 3 thôn là chưa có điện lưới quốc gia (thôn Khuổi Sắp, Nà Tồng, và Bản Pe). 4 thôn không có trạm phát sóng điện thoại di động (thôn Nà Tồng, Khuổi Chặng, Khuổi Cọ và Khuổi Sắp).
Bí thư Đảng bộ xã Triệu Văn Trình chia sẻ: Tuy Yên Lỗ là vùng sâu vùng xa nhưng cơ sở vật chất trường lớp tương đối đầy đủ, không có lớp tranh tre nứa lá. Nhìn chung trình độ nhận thức của lớp thanh niên khá tiến bộ và nhiều bạn trẻ có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng, đây là một sự thuận lợi hiếm hoi cho công tác lãnh đạo của xã Yên Lỗ khi chủ trương nghị quyết của Đảng và Nhà nước được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Ước mơ có cầu treo
Những ngày tôi ở Yên Lỗ, tôi không nhớ được bao nhiêu lần thầy giáo Đỗ Quang Dụng- Hiệu phó Trường THCS Yên Lỗ với tôi một điệp khúc: "Nhà báo viết thế nào thì viết, mong thấu đến các cấp lãnh đạo và các nhà hảo tâm, khắp cả nước, để làm sao người dân Yên Lỗ có cái cầu treo bắc qua sông, đi lại cho an toàn. Chứ nhiều lần nhìn thấy các em học, sinh, thầy cô giáo, và bà con nhân dân bị ngã xuống sông mà chúng tôi cảm thấy xót xa lắm".
Chào tạm biệt Yên Lỗ mà lòng tôi trĩu nặng. Mang những trăn trở, tôi gặp Phó Chủ tịch huyện Bình Gia- Hoàng Văn Chung, người đã từng nằm vùng ở Yên Lỗ 3 tháng trời nhiều năm trước. Anh Chung: Về con đường 16km lầy lội, sau nhiều năm kiên trì đề xuất, hiện nay đã có một số km đang được lót đá, sau đó dải nhựa. Nếu thuận lợi, trước Tết Nguyên đán, Yên Lỗ sẽ lần đầu tiên có những đoạn đường kiên cố dẫn tới xã. Hiện tại, kinh phí mới có đủ để làm được khoảng 7km, còn lại vẫn phải chờ tỉnh bố trí vốn để thông toàn tuyến.
Còn riêng về cây cầu treo, UBND huyện Bình Gia đã lập dự án, nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn nào chính thức.
"Mình là lãnh đạo huyện cũng chẳng ngại khó, khổ hay xấu hổ gì đâu, thấy ở đâu có nguồn kinh phí khả quan có thể xin được để xây cầu làm đường cho dân là mình đi kêu gọi. Đã làm nhiều văn bản để xin rồi. Nhưng tới nay cái đường thì tạm ổn còn cái cầu thì vất vả quá. Chúng mình vẫn đang phấn đấu, nỗ lực hết sức vì sự an toàn của các em khi đến trường và để thúc đẩy kinh tế - xã hội ở Yên Lỗ phát triển hơn nữa, bà con bớt nhọc nhằn khi mang con lợn, con gà, hay những nông sản mang đi bán trao đổi hàng hóa...".
Không biết tương lai được thoát khổ của Yên Lỗ sẽ ra sao. Nhưng những ai đã từng vào Yên Lỗ một lần, đều cầu mong rằng, cầu, đường, và điện sẽ sớm được đến với bà con một cách hoàn chỉnh và sớm nhất. Để ít ra, chúng ta không có cảm giác day dứt khi nhìn vào ánh mắt các em học sinh và buồn lòng khi thấy cảnh bà con lầm lũi cõng hàng đi chợ chỉ bằng đôi chân của mình.
Theo Gia Tưởng (Dân Việt)