Giàn nhót nhà tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi tạm gọi bụi cây ấy là giàn vì tán lá xõa ra cũng đủ làm mát một khoảnh đất. Cây nhót này được tôi trồng cách đây hơn 2 năm, là quà tặng của người bạn ở tận Huế, lọ mọ đóng gói rất cẩn thận gửi theo đường bưu điện mất chục ngày.
Khi ghé thăm nhà cô gái Thái trắng, căn nhà bên con suối 42, thấy một giàn cây leo phủ kín sân trước, chi chít những quả mọng đỏ hồng, là dân lâm nông, học khá môn thực vật, nhưng tôi cũng không định danh được. Đây là thời gian tôi mới tốt nghiệp đại học và được phân công về nhận công tác ở một huyện phía Bắc tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ.
Cô gái Thái có căn nhà với giàn nhót đẹp ấy là giáo viên mầm non, phụ trách lớp bên cạnh văn phòng làm việc của tôi, sáng nào cũng “vô tình” ngắm nàng ríu rít với trò nhỏ, được 1 tuần thì tôi kiếm chuyện làm quen.
Những quả nhót mùa đầu. Ảnh: Nguyễn Sơn
Những quả nhót mùa đầu. Ảnh: Nguyễn Sơn
Trở lại với giàn nhót. Quả nhót hình bầu dục, lớn hơn ngón tay cái với hình hài đỏ mọng dễ làm người ta cho rằng sẽ ngọt lắm khi thưởng thức. Sau khi lau vào áo hoặc quần cho đi hết lớp vảy bạc rồi cắn thử xem, chao ơi là chua. Các bà, các cô thường giã muối ớt hay làm một chén mắm ruốc để thưởng thức. Riêng tôi, không hảo chua nên mấy năm trời ở đó hiếm hoi lắm mới nhá chút đỉnh cái loại quả này.
Giàn nhót ấy tuy không làm tôi đoái hoài đến sản phẩm của nó, dù rất hấp dẫn phụ nữ, nhưng lại là “chứng nhân” của một chuyện tình, bóng mát của nó bảo bọc những thương yêu, giận hờn, thậm chí sóng gió của quá trình phát sinh, phát triển tình cảm giữa tôi và cô chủ nhà mà đỉnh điểm là một đám cưới tuy đơn giản nhưng tràn đầy ấm áp thời bao cấp.
Cây nhót ấy chẳng biết do ai trồng mà đã có mặt trước khi gia đình vợ tôi về cư ngụ trên mảnh đất ấy từ năm 1963. Thời gian đó, loài cây này không phổ biến trong Nam nếu không muốn nói là hiếm, người trồng chắc chắn phải là người gốc Bắc và cũng không biết bằng cách nào để có cây giống.
Sau vài năm, vợ chồng tôi chuyển công tác về Pleiku, căn nhà nhỏ và mảnh vườn có chủ mới. Họ đã phá dỡ giàn nhót đầy kỷ niệm vì nhu cầu xây dựng nhà. Thỉnh thoảng, đi ngang qua chốn cũ, ngoái nhìn cảnh mới mà nhớ quay quắt vườn xưa.
Gần như tôi không còn gặp lại cây nhót nữa cho đến khi có được một khoảnh vườn ở ngoại ô Pleiku. Tình cờ, trong khi lục tìm ký ức chia sẻ với một người bạn từ Huế vào thăm, vợ chồng tôi có nhắc đến giàn nhót năm nào. Mười ngày sau, tôi nhận được một cây giống nhỏ do bạn tôi gửi qua đường bưu điện với lời nhắn: Sẽ hoàn hảo hơn cho tôi vì giống này ngọt lắm.
Sau 2 năm chăm bón, trước Tết Nguyên đán vài tháng, cây đã ra hoa kết quả, bói mà sai trĩu cành. Hôm rồi, chọn mấy quả đã chín, chuyển màu đỏ toàn thân, nếm thử thì đúng là ngọt thật, cái ngọt không lịm mà vẫn pha một chút, một chút thôi vị chua đượm hương nhót, đủ để đưa vị cùng muối, mắm hoặc ngâm đường. Thế là, vườn nhà tôi lại có thêm trái ngọt.
Trồng được cây, sống tốt, cho quả ngon mà không khoe cũng lạ. Sau khi tôi đăng ảnh cùng vài dòng status trên trang Facebook cá nhân, nhiều người không biết loại cây này. Thế nhưng ở Pleiku đã có người sở hữu trong vườn và đã rao bán online với giá khá rẻ.
Chỉ cần một khoảnh sân nhỏ trước nhà, làm cái giàn, trồng một gốc, chừng 2 năm đã có bóng mát, quả ra quanh năm, xanh xanh đỏ đỏ trông cũng vui mắt. Riêng tôi, nhót là loài cây đượm màu kỷ niệm...
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.