Giảm trừ gia cảnh: Nâng sớm, đừng chờ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ người phụ thuộc từ lâu đã không còn phù hợp với mặt bằng giá cả, do đó phải sớm sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân, không nhất thiết chờ đến năm 2026

Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia kinh tế, pháp luật, các quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) nhiều năm qua không còn phù hợp với mặt bằng giá cả và mức chi tiêu của người dân hiện nay. Điều này cần được QH xem xét, cấp thiết sửa đổi, không nên chờ đến năm 2026 mới đề xuất.

Lạc hậu

Chị Khánh Minh (ngụ quận 6, TP HCM) cho biết mức lương cơ sở từ ngày 1-7 tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng và có thể chị sẽ rơi vào ngưỡng nộp thuế TNCN với thuế suất cao hơn. Trong khi đó, chi phí cho 2 đứa con của chị Minh tiêu tốn từ 5-6 triệu đồng/người cao hơn rất nhiều so với mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết sau đợt dịch COVID-19, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, trong khi việc làm, thu nhập của NLĐ không ổn định, khiến đời sống của họ càng khó khăn hơn. Ông dẫn chứng: "Nhiều công nhân có con từ 6 - 24 tháng tuổi hiện phải gửi cho các trường mầm non tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình với tiêu tốn trên 3,5 triệu đồng/tháng, thêm tiền ăn uống, ốm đau... chi phí sẽ vượt mức 4,4 triệu đồng/tháng". Từ ngày 1-7-2024, lương cơ sở và lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng, tương ứng với mức 30% và 6%; song, theo ông Triều, nếu việc điều chỉnh lương không đi đôi với việc điều chỉnh cách tính thuế TNCN, đặc biệt là mức GTGC cho người phụ thuộc, thì phần lương tăng cũng phải chia sẻ một phần do chi phí tăng đóng BHXH, bảo hiểm y tế và thuế TNCN...

Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng từ khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực vào năm 2009 đến nay, mức GTGC cá nhân mới điều chỉnh 2 lần, từ 4 triệu đồng lên 9 triệu và 11 triệu đồng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng chỉ điều chỉnh 2 lần. Trong khi đó, tình hình lạm phát, mức sống tại TP HCM cũng như các đô thị lớn ngày càng tăng khiến cho thu nhập của người lao động (NLĐ) dù có tăng nhưng cũng chỉ đủ bù trượt giá. Bà Hà kiến nghị phải kịp thời thay đổi mức GTGC cho phù hợp với mức sống và tình hình thực tế. Ngoài ra, theo bà Hà, mức sống giữa các địa phương cũng có sự chênh lệch nên việc quy định mức giảm trừ chung bằng số tuyệt đối không phù hợp. "Nên chăng áp dụng cách tính mức GTGC dựa trên hệ số, tỉ lệ của mức lương tối thiểu vùng hoặc lương cơ sở tại mỗi thời điểm để có sự điều chỉnh kịp thời" - bà Hà nói.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích: "Từ năm 2020 đến nay, lạm phát mỗi năm tăng trung bình khoảng vài %. Nếu tính lũy tiến thì mức độ trượt giá của VNĐ sẽ là con số khá lớn. Điều này làm cho giá cả hàng hóa, dịch vụ đi lên, nhất là ở các đô thị lớn, nhưng mức GTGC vẫn "giẫm chân tại chỗ", chưa được tính đúng, tính đủ chi phí của người nộp thuế và người phụ thuộc".

Nên thay đổi từng năm

Trong phiên thảo luận tại QH về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, BHXH, ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH - cho rằng mức sống tăng, chi phí nhiều hơn thì mức GTGC cũng phải tăng. "Nếu tăng 30% lương cơ sở thì ít nhất mức GTGC cũng phải tăng được 30%, thậm chí cần tăng đến 50% mới hợp lý" - ĐB Hạ kiến nghị.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho biết mức GTGC hiện nay thực sự không còn phù hợp với thực tế cần được QH xem xét, sớm sửa đổi không nên chờ đến năm 2026 đề xuất. Theo ĐB Thủy, nhiều cử tri phản ánh gia đình có con cái đi học, chi phí học hành chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu; gia đình có cha mẹ già thì không chỉ chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn tiền chăm sóc, thuốc men. "Nếu chờ 2 năm nữa mới thông qua quy định của luật thuế như đề xuất thì nhiều người dân phải sống trong cảnh "thắt lưng buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện nộp thuế TNCN" - bà Thủy nói. ĐB Thủy lưu ý thêm: Lương tăng nhưng thuế TNCN và mức GTGC chưa điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động. Việc không điều chỉnh kịp thời này sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc cải cách tiền lương. Chính phủ cần sớm trình Luật Thuế TNCN vào tháng 10 năm nay và trình QH thông qua vào tháng 5-2025.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, chính sách thuế cần tính tới các giải pháp hỗ trợ, trong đó nâng mức GTGC để hỗ trợ người lao động. Mức GTGC tăng, người dân đóng thuế TNCN ít hơn... sẽ kích cầu tiêu dùng nội địa trong nước. Khi nâng mức GTGC, trước mắt nguồn thu từ thuế TNCN giảm nhưng nền kinh tế sẽ có lợi vì người dân mạnh dạn chi tiêu, tăng trưởng kinh tế đi lên, bù đắp cho nguồn thu ngân sách thu trong tương lai. "Việc điều chỉnh mức GTGC cần thực hiện trong năm 2024 chứ không nên chờ đến khi sửa Luật Thuế TNCN và nên linh hoạt mỗi năm để sát với tình hình thực tiễn lạm phát, nhất là trong bối cảnh sức cầu nội địa đang thấp. Mức GTGC nên thay đổi từng năm theo mức độ trượt giá của nền kinh tế, có thể dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để điều chỉnh" - ông Huân đề xuất.

ThS, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa - một chuyên gia về thuế, nhận xét hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng miền khu vực 1 tăng gấp 2 lần. Chi phí của mỗi cá nhân cũng tăng gấp nhiều lần theo đà tăng của giá cả hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, theo ông, mức GTGC cho người nộp thuế cần tăng gấp 4 lần so với mức lương tối thiểu vùng miền khu vực 1. Đối với người phụ thuộc, mức giảm trừ hiện chỉ gần 30% so với mức GTGC người nộp thuế; cần phải tăng tối thiểu là 70%. Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng biểu thuế TNCN 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế như quy định hiện hành là quá nhiều, tạo gánh nặng cho người nộp thuế bởi thu nhập chỉ cần tăng nhẹ đã rơi vào mức thuế suất cao hơn. Các bậc thuế cần giảm còn 4 hoặc 5 bậc để đơn giản hóa cách tính thuế, đồng thời ngưỡng nộp thuế giữa các bậc thuế cần nới rộng sao cho thu nhập tối đa 200 triệu đồng/tháng mới nộp thuế với tỉ lệ cao nhất. Thuế suất cao nhất của thuế TNCN 35% cũng nên giảm xuống 20% - 25% để hài hòa nghĩa vụ giữa các đối tượng nộp thuế vì hiện nay thuế suất của thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

Bất cập "thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được giảm trừ"

Theo ThS, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Luật Thuế TNCN quy định người nhà của người nộp thuế có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được tính là người phụ thuộc cũng không sát với thực tiễn. Bởi lẽ, hiện nay, người phụ thuộc 18-22 tuổi (như sinh viên) có thể đi làm thêm, thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Quy định này cần thay đổi ở mức trên 3 triệu đồng/tháng sẽ không được tính giảm trừ.

Mỹ, Nhật Bản giảm trừ gia cảnh thế nào?

Ở Mỹ, pháp luật nước này không đưa ra khái niệm về giảm trừ gia cảnh mà lại dùng khấu trừ tiêu chuẩn. Lạm phát tăng cao, khiến mức giảm trừ tiêu chuẩn cũng phải tăng lên. Ví dụ, mức khấu trừ tiêu chuẩn tại Mỹ cho năm 2021 là 12.550 USD, nâng lên 12.950 USD trong năm 2022. Đến năm 2023 là 13.850 USD và tăng lên 14.600 vào năm 2024. Trong luật thuế của Mỹ quy định "tiền khấu trừ thuế cho con" gồm người dưới 17 tuổi gồm: con ruột, con nuôi hoặc cháu gái, trai hay người sống với người nộp thuế hơn 6 tháng... được xác nhận là người phụ thuộc. Chẳng hạn như người khai thuế cá nhân năm 2023 (tờ khai thuế nộp vào năm 2024), thu nhập hơn 200.000 USD/năm, sẽ được khấu trừ 2.000 USD/người phụ thuộc. Tại Nhật Bản, thuế TNCN được tính thu tùy từng nguồn thu. Chẳng hạn, đối với nguồn thu từ tiền lương, người lao động sẽ được khấu trừ 550.000 yen (hơn 3.400 USD) nếu có thu nhập 1,6 triệu yen (gần 10.000 USD) mỗi năm. Với thu nhập trên 8,5 triệu yen, mức khấu trừ là 1,95 triệu yen. Thu nhập từ 25 triệu yen trở xuống, mức giảm trừ tối đa là 480.000 yen. Ngoài ra, người khuyết tật, góa chồng hay cha/mẹ đơn thân cũng được giảm trừ.

H.Bình

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Cả nước đang sôi sục chuyển mình theo lời hiệu triệu khẩn thiết của Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm. Một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đi đôi với những giải pháp quyết liệt thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài Chỉ thị 45/CT-TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người VN ở nước ngoài trong tình hình mới...