(GLO)- Việc giới hạn tốc độ của các phương tiện lưu thông qua khu vực trường học nằm trên quốc lộ, tỉnh lộ vào các khung giờ cao điểm (đến lớp, tan trường) không chỉ góp phần giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) cho trẻ em mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các em những kỹ năng, nhận thức về giao thông an toàn.
Hiệu quả thiết thực
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức về tình hình TNGT ở trẻ em Việt Nam cho thấy, cứ 100.000 trẻ em thì có 20 trẻ em tử vong do TNGT. Con số này cao hơn gần 3 lần so với các nước ASEAN và 5 lần so với các nước phát triển. Các kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, việc giảm tốc độ phương tiện xuống 30 km/giờ sẽ giảm 90% nguy cơ tử vong khi xảy ra TNGT, đặc biệt là với trẻ em. Bà Trịnh Thu Hà-Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia đánh giá: “Việc giảm tốc độ trong khu vực trường học sẽ giúp giảm thiểu thương vong khi xảy ra TNGT, đồng thời giúp trẻ hình thành ý thức về tham gia giao thông an toàn. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao tính thiết thực của dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, đặc biệt là với những địa bàn còn nhiều khó khăn như Gia Lai”.
Thành viên dự án hướng dẫn học sinh qua đường an toàn. Ảnh: L.H |
Sau hơn 1 năm triển khai dự án tại TP. Pleiku, hàng ngàn học sinh, giáo viên, phụ huynh của 2 trường: Tiểu học Phan Đăng Lưu và Tiểu học Nguyễn Lương Bằng đã được tiếp cận và hòa nhập với môi trường giao thông an toàn hơn. Ông Raoul Powlowski-Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu (GRSP), Quản lý chương trình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” tại Việt Nam-đánh giá: “Sau hơn 1 năm triển khai tại Gia Lai, chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy dự án đã phần nào đem lại giá trị hữu ích cho cộng đồng, đặc biệt là giảm thiểu được TNGT xảy ra đối với trẻ em và nâng cao nhận thức tham gia giao thông an toàn cho nhiều học sinh, phụ huynh”.
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh-cho biết: “Dự án đã tạo được hiệu ứng từ học sinh, phụ huynh, nhà trường và người tham gia giao thông qua khu vực trường học. Bước đầu, người điều khiển phương tiện đã có thói quen giảm tốc độ khi đi qua các khu vực trường học có quy định cụ thể về hạn chế tốc độ vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, hạn chế được cảnh phụ huynh tụ tập dưới lòng đường khi đưa đón con ở trường; các cháu học sinh cũng đã có ý thức hơn khi đứng chờ cha mẹ đón hoặc khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho mình”.
Xây dựng giáo trình điện tử về ATGT
Nói về tiến trình tiếp theo của dự án, bà Bùi Thị Diễm Hồng-Quản lý chương trình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” tại Gia Lai-chia sẻ: Đến nay, về cơ bản, các bước cải tạo trường học đảm bảo ATGT như: làm vỉa hè, vạch kẻ chỉ đường, biển cảnh báo tốc độ… cũng như công tác tổ chức tập huấn cho lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự; truyền thông tới phụ huynh học sinh 2 trường Tiểu học thuộc phạm vi dự án cũng như thực hiện và phát sóng phim tuyên truyền về ATGT với trẻ em, treo biển hiệu tuyên truyền đã hoàn thành. Chúng tôi đang xây dựng giáo trình điện tử với 10 chủ đề về ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy. “Giáo trình sẽ được hoàn thành trước năm học 2019-2020, sau đó sẽ áp dụng học tập tại 2 trường Tiểu học triển khai dự án tại TP. Pleiku. Tiếp theo, chúng tôi sẽ có những khảo sát, kiểm tra từ phía học sinh, phụ huynh, người dân xung quanh để đưa ra đánh giá chính xác nhất về tác động của dự án”-bà Hồng khẳng định.
Điểm đặc biệt của bộ giáo trình điện tử này là các em sẽ được tiếp cận kiến thức giao thông an toàn thông qua những tình huống đồ họa sinh động mô phỏng gần sát thực tiễn với âm thanh, màu sắc ấn tượng, dễ gây hứng thú, chú ý. Các em sẽ lựa chọn đúng/sai để kiểm tra kiến thức. Theo bà Hồng, việc xây dựng giáo trình sát thực tế sẽ khiến các em học sinh Tiểu học dễ tiếp cận hơn.
Cô Mai Thị Sáu-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng-nhận xét: “Trước khi triển khai dự án, qua khảo sát, đánh giá theo tiêu chuẩn dự án về ATGT tại khu vực xung quanh trường học thì trường có 2 điểm đạt “2 sao”, 8 điểm đạt “3 sao” và chỉ có 1 điểm đạt “4 sao”. Nhưng đến nay, nhà trường có 3 điểm đạt “4 sao”, các điểm còn lại đều đạt “5 sao”, tức là đảm bảo tốt tiêu chí trường học ATGT”. Tương tự, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu từ chỗ có 3 điểm đạt “2 sao”, 5 điểm đạt “3 sao” thì đến nay đã được đánh giá đạt “5 sao” tại tất cả các điểm.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku-cho rằng: Dự án đã góp phần tích cực vào công tác đảm bảo trật tự ATGT của địa phương. “Thời gian tới, lực lượng Công an TP. Pleiku sẽ tăng cường xử lý các xe ô tô thường xuyên rà đón khách, chạy ẩu tranh giành khách trên các tuyến quốc lộ, nhất là tại khu vực gần 2 trường học này. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ nhắc nhở đối với khách vãng lai, tuyên truyền tới thanh niên người dân tộc thiểu số quanh khu vực 2 trường học để nắm bắt và thực hiện quy định giảm tốc độ đã được áp dụng”-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku cho biết thêm.
Lê Hòa