Sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh TRẦN AN |
Thời gian qua, xác định được tầm quan trọng của ngành bán dẫn, Việt Nam ra sức xây dựng chủ trương, chính sách đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn được nhận định có nhiều tiềm năng tạo đột phá thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Chính phủ đã xác định bán dẫn là một trong chín sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển hóa các thành tựu khoa học-công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.
Trong báo cáo của Công ty Technavio, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn. Cùng sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác của nhiều quốc gia lớn trong lĩnh vực này.
Do nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông minh có sử dụng các linh kiện bán dẫn gia tăng, kéo theo ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh, nhu cầu lao động ngày càng tăng cao. Vì thế, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quy (Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu) cho biết, các báo cáo từ quốc tế đều cho thấy, Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch. Khảo sát nhu cầu từ hơn 30 doanh nghiệp để xây dựng chương trình ngành kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, nhiều công ty lớn như Samsung, LG chia sẻ, mỗi năm, họ sẵn sàng tuyển dụng hàng trăm nhân sự vào vị trí kỹ sư thiết kế, chế tạo, sản xuất chip và linh kiện điện tử.
Ông Quy nhận định, việc thiếu nguồn kỹ sư phần mềm chip được đào tạo bài bản sẽ ảnh hưởng kế hoạch xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Nếu không khẩn trương có giải pháp, nhân lực ngành bán dẫn sẽ không theo kịp sự phát triển của ngành.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Định hướng chủ yếu là phát triển công nghiệp bán dẫn trong một hệ sinh thái, kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành bán dẫn, ưu tiên thu hút các công đoạn có giá trị gia tăng cao và Việt Nam có thể tự lực ở một số công đoạn trong chuỗi công nghiệp bán dẫn (như thiết kế, kiểm thử, đóng gói); kết hợp phát triển bán dẫn, vi mạch và phát triển thiết bị điện tử…
Để giải quyết vấn đề vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, giải pháp hàng đầu hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư đào tạo 30.000-50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành. Qua đó, Trường đại học FPT mong muốn nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.
Nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò của kỹ sư thiết kế trong ngành sản xuất chip, ông Nguyễn Thanh Yên, Quản trị nhóm Cộng đồng vi mạch Việt Nam khẳng định, nếu Việt Nam tập trung phát triển mạnh đội ngũ kỹ sư thiết kế, chắc chắn sẽ có kết quả tốt trong 5-10 năm tới. Nhà nước cần tập trung cao nhất nguồn lực đầu tư công cho đào tạo; giảm học phí cho sinh viên đăng ký học các học phần liên quan vi mạch, tăng phụ cấp cho thầy, cô giáo đào tạo các môn học thiết kế chip… Hiệu quả đầu tư sẽ được đo bằng số doanh nghiệp vi mạch mới thành lập hằng năm và số sinh viên được đào tạo chuyên ngành về vi mạch ra trường có việc làm hằng năm.
Với phương châm đi trước, đào tạo theo nhu cầu thị trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này.
Còn theo số liệu từ Cổng Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để gia tăng nhanh số kỹ sư tốt nghiệp ngành bán dẫn, các trường đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, các trường sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển hơn 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất, cần tính toán phương án chuyển sinh viên các ngành học gần như điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa, cơ điện tử sang đào tạo ngành bán dẫn để tăng tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm lên 3.000-4.000 người. Thêm vào đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp trong ngành điện tử viễn thông đã có kinh nghiệm làm việc trong các công ty liên quan thiết kế vi mạch, bán dẫn. Những nhân lực này nếu được đào tạo lại đúng chuyên ngành bán dẫn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế. Đào tạo lại những kỹ sư đã tốt nghiệp chuyên ngành gần bán dẫn là giải pháp nhanh chóng tăng lượng nhân lực ngành bán dẫn cung cấp cho thị trường lên mức 5.000-6.000 kỹ sư/năm.