(GLO)- Cũng như các địa phương trong tỉnh, huyện Đak Đoa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 106 thôn, làng với dân số 59.806 người, chiếm 55% dân số toàn huyện. Trong đó, dân tộc Bahnar khoảng 38.780 người, chiếm 35,5% và dân tộc Jrai 20.514 người chiếm 19%, các dân tộc khác khoảng 512 người.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng và đời sống, phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có nhiều đổi thay rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao. Tuy nhiên, một số vùng vẫn còn nhiều khó khăn, chậm phát triển trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy hoặc bán, cho thuê đất sản xuất, bán cà phê, hồ tiêu, mì, lúa non cùng một số hoa màu khác vẫn còn xảy ra.
Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, qua kết quả rà soát sơ bộ, huyện Đak Đoa có khoảng 131 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích 44,68 ha. Trong đó, 130 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề và 1 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất. Đặc biệt, qua kết quả điều tra mới đây, toàn huyện có khoảng 873 hộ cho thuê đất sản xuất với diện tích 392,21 ha; 272 hộ bán đất với diện tích 176,95 ha. Các đối tượng thuê và mua đất chủ yếu là người dân sinh sống tại địa phương thuê đất trồng cây công nghiệp lâu năm. Đặc biệt, có 16 hộ bán cà phê non với số lượng 51.000 kg; 9 hộ bán mì non với số lượng 16.000 kg. Tình trạng bán, cho thuê đất sản xuất, bán cà phê, hồ tiêu, mì non cùng các mặt hàng nông sản khác dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất khiến bà con phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất.
Ngoài ra, một số hộ dân vẫn còn tập quán du canh, không tập trung đầu tư sản xuất thâm canh bảo vệ đất đai của mình. Bên cạnh đó, một số hộ do gia đình đông con, khi lớn tách hộ, cha mẹ không có đủ đất chia để sản xuất, nên xảy ra tình trạng thiếu đất sản xuất. Hiện nay do giá các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu… tăng cao và ở mức ổn định nên nhu cầu đất canh tác sản xuất tăng lên. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số xã, thị trấn còn lỏng lẻo để xảy ra tình trạng người dân trên địa bàn tự ý mua bán, sang nhượng trái phép nhưng không phát hiện để ngăn chặn. Một số hộ có đất nhưng thiếu vốn đầu tư, chưa có điều kiện canh tác hoặc lười lao động trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Bưm-Trưởng thôn Piơng-xã A Dơk cho hay: Làng mình ít có các hoạt động giao dịch buôn bán hoặc cho thuê đất, vì vậy rất ít biến động về đất đai sản xuất. Hầu hết đất của ai thì người ấy sử dụng, không có tình trạng buôn bán hay cho thuê.
Trao đổi với ông Lê Công Hưng-cán bộ địa chính xã A Dơk, ông cho hay: So với các xã khác trong huyện, tình trạng bán, cho thuê đất trên địa bàn xã A Dơk không đáng kể. Bình quân mỗi năm có khoảng 25 hồ sơ xin chuyển nhượng nên ít phức tạp hơn các xã khác. Hàng năm, xã đều mời già làng, trưởng thôn họp quán triệt không cho bà con trong làng bán đất trái phép, không ký hồ sơ sang nhượng viết tay; bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong xã không nên bán đất, cho thuê đất sản xuất… Mới đây, UBND xã đã thành lập tổ rà soát việc bán đất, cho thuê đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn xã để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Về phần mình, UBND huyện Đak Đoa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không bán, không cho thuê đất sản xuất để mua sắm các vật dụng khi chưa cần thiết. Kiểm tra theo dõi tình hình mua bán, sang nhượng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt yêu cầu các trưởng thôn không xác nhận hồ sơ mua bán đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ thiếu đất sản xuất. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp giả mạo chữ ký để hợp thức hóa hồ sơ mua bán đất…
Nguyễn Diệp