Giấc mơ Olympic có gần với U.23 Việt Nam và HLV Troussier?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
U.23 Việt Nam sẽ hướng tới đích ngắm giành vé dự Olympic Paris thông qua vòng chung kết U.23 châu Á 2024, diễn ra vào tháng 4 tại Doha (Qatar).

'Lực đẩy' từ sân chơi tầm cỡ

Trọng tâm của bóng đá Việt Nam cấp độ đội tuyển trong năm 2024 được chia làm hai mũi nhọn: vòng loại World Cup 2026 của đội tuyển Việt Nam, bên cạnh vòng chung kết U.23 châu Á 2024 của U.23 Việt Nam.

Trong đó, giải U.23 châu Á 2024 là sân chơi HLV Philippe Troussier đặt nhiều kỳ vọng. Chiến lược gia người Pháp từng nhiều lần nhắc đến tham vọng giành vé dự Olympic, vốn là cột mốc bóng đá Việt Nam chưa từng chạm đến.

Ông Troussier cũng hiểu rằng để trẻ hóa đội tuyển Việt Nam và xây dựng nền móng cho giai đoạn mới, việc giúp đội U.23 (với rất nhiều cầu thủ được đôn lên đội tuyển quốc gia) có thành tích là cần thiết.

U.23 Việt Nam vượt qua vòng loại châu Á 2024 với 7 điểm sau 3 trận. Ảnh: MINH TÚ

U.23 Việt Nam vượt qua vòng loại châu Á 2024 với 7 điểm sau 3 trận.

Ảnh: MINH TÚ

6 năm trước, lứa U.23 Việt Nam của Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu... đã lọt tới chung kết U.23 châu Á 2018, để rồi có bàn đạp thuận lợi tạo ra chu kỳ thành công cho bóng đá Việt Nam trong suốt 5 năm HLV Park Hang-seo nắm quyền.

Bóng đá trẻ chỉ là một trong những thước đo minh định năng lực của nền bóng đá. Thành tích của các đội tuyển trẻ như U.19, U.23 không đảm bảo đội tuyển quốc gia sẽ cất cánh. Minh chứng là Uzbekistan đã gặt hái thành công ở lứa U.20, U.23, nhưng đội tuyển quốc gia nước này chưa từng dự World Cup. Đội tuyển Uzbekistan cũng vừa dừng bước ở tứ kết Asian Cup 2023.

Tuy nhiên với lứa cầu thủ trẻ Việt Nam, vốn bị tước cơ hội thi đấu quốc tế trong 2 năm bởi dịch bệnh, phần lớn chưa có chỗ đứng ở V-League, việc tìm "lực đẩy" ở sân chơi tầm cỡ như U.23 châu Á để thăng tiến là lựa chọn phù hợp.

Không có chỗ cho bất ngờ

Lý do HLV Troussier đặt trọng tâm cho U.23 Việt Nam ở giải U.23 châu Á là bởi, bóng đá trẻ luôn tồn tại nhiều bất ngờ.

Kể từ khi giải đấu ra đời năm 2013, sau 5 vòng chung kết đã được tổ chức, U.23 Hàn Quốc và U.23 Nhật Bản mới chỉ 1 lần lên ngôi vô địch. Ở 3 giải đấu còn lại, chức vô địch lần lượt thuộc về U.23 Iraq (2013), U.23 Uzbekistan (2018) và U.23 Ả Rập Xê Út (2022).

HLV Troussier còn nhiều điều phải uốn nắn học trò. Ảnh: NGỌC LINH

HLV Troussier còn nhiều điều phải uốn nắn học trò. Ảnh: NGỌC LINH

Những nền bóng đá là "khách quen" World Cup như Úc, Iran thậm chí chưa từng có đội U.23 lọt tới chung kết, chưa nói đến vô địch.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế: ở những vòng chung kết U.23 châu Á tổ chức cùng năm với Olympic (đồng nghĩa những đội có thứ hạng cao sẽ có vé dự Olympic), các cường quốc bóng đá luôn tập trung nguồn lực để cạnh tranh.

Vòng chung kết U.23 châu Á 2016 (chọn đội dự Olympic Rio 2016), đội vô địch là U.23 Nhật Bản, còn á quân và hạng ba lần lượt là U.23 Hàn Quốc và U.23 Iraq.

Đến vòng chung kết U.23 châu Á 2020 (chọn đội dự Olympic Tokyo 2020), đội vô địch là U.23 Hàn Quốc, còn á quân và hạng ba lần lượt là U.23 Ả Rập Xê Út và U.23 Úc. U.23 Nhật Bản bị loại sớm, nhưng không sao cả, bởi họ là... chủ nhà Olympic, nên không cần tìm vé qua giải châu Á.

Bất ngờ chỉ xảy ra ở các vòng chung kết năm 2013, 2018 và 2022, khi các đội thứ hạng cao không có suất Olympic nào. Những nền bóng đá hùng mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản thường chỉ mang đội U.21 đi cọ xát, để chuẩn bị cho chính giải U.23 châu Á sẽ đính kèm suất Olympic sau đó 2 năm.

Ở giải U.23 châu Á năm nay, khi suất Olympic được "phát" cho các đội có thứ hạng cao (vô địch, á quân, hạng ba), bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út hay Úc nhiều khả năng chơi sòng phẳng bằng lực lượng mạnh nhất. Đó là cửa khó cho thầy trò ông Troussier.

Mục tiêu nào phù hợp?

Nếu đặt mục tiêu Olympic ngay từ đầu, e rằng U.23 Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn. 2 vòng chung kết gần nhất tổ chức vào các năm có Olympic, U.23 Việt Nam đều bị loại sớm.

Trong đó năm 2020, U.23 Việt Nam với nòng cốt đội hình rất mạnh vừa vô địch SEA Games, đã bị loại ở vòng bảng U.23 châu Á với 2 điểm sau 3 trận, xếp cuối bảng.

Những tài năng trẻ như Văn Khang (14), Đình Bắc (15) đã được cọ xát ở đội tuyển quốc gia. Ảnh: MINH TÚ
Những tài năng trẻ như Văn Khang (14), Đình Bắc (15) đã được cọ xát ở đội tuyển quốc gia. Ảnh: MINH TÚ

Vậy nên, U.23 Việt Nam có lẽ cần tính toán từng trận đấu một để vượt qua vòng bảng trước tiên. Ở bảng D, thầy trò ông Troussier giáp mặt U.23 Uzbekistan, U.23 Kuwait và U.23 Malaysia. Ngoài Uzbekistan mạnh vượt trội, hai đối thủ còn lại đều rất vừa tầm để Thái Sơn cùng đồng đội hướng tới ngôi nhì.

Nếu vào tứ kết, U.23 Việt Nam nhiều khả năng đối đầu U.23 Ả Rập Xê Út hoặc U.23 Iraq, vốn là hai đội rất mạnh ở bảng C. Đến lúc này, trận tứ kết sẽ định đoạt số phận của U.23 Việt Nam. Chiến thắng đồng nghĩa tấm vé dự Olympic ở rất gần tầm tay.

Nhưng để tiến tới tứ kết, hãy chơi thật tốt vòng bảng, nghiên cứu đối thủ và giải quyết từng trận một. Đừng để Olympic trở thành gánh nặng, dẫn đến chệch hướng ngay từ phút đầu.

Có thể bạn quan tâm