Giấc mơ đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa rồi, chúng tôi có chuyến khám phá Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), nơi có ngọn thác huyền hoặc chảy từ miền cao nguyên Kon Hà Nừng xuống đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ rồi hòa mình vào dòng sông Côn và cuối cùng đổ ra Biển Đông. Sự hòa quyện giữa những phiến đá cao lớn có niên đại hàng triệu năm và địa thế hiểm trở, bao bọc bởi nhiều tán cổ thụ cao vi vút đã kiến tạo nên dòng thác 50 uy nghi, sừng sững giữa đại ngàn.
Từ trung tâm TP. Pleiku đến phố huyện Kbang hành trình là 93 km, thời gian di chuyển mất 1 giờ 55 phút. Rồi từ thị trấn Kbang lại tiếp tục đi về hướng Bắc dọc theo đường Trường Sơn Đông khoảng 70 km nữa là đến trụ sở Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Từ đây đến thác còn 16 km đường rừng, chúng tôi chọn cách ngồi sau xe máy của các tay lái cừ khôi thường đi mỗi ngày bằng xe 2 bánh đã thay nhông 10 răng, thậm chí 8 răng mới vượt nổi những dốc đứng. Lựa chọn này giúp chúng tôi có thể về ngay trong ngày.
Thác 50 có độ cao khoảng 50 m tính từ đỉnh đến chân thác. Thác có tên gọi khác là Hang Én vì ngay sau thác có một cái hang lớn ở đó có nhiều chim én cỏ sinh sống, trú ngụ, tiếng kêu râm ran cả một vùng trời. Suốt 4 mùa soi từng mảnh mây trời, dòng thác nước cứ thế miết mải đổ thẳng xuống sườn vách đá theo chiều thẳng đứng tạo ra những làn sương mù. Giữa bầu trời xanh thẳm, từng sợi bọt tung trắng xóa, hơi nước bay mịt mờ, loang loáng, bao kín một khoảng không bao la, hùng vĩ. Cảm giác được tiệm cận với thế giới kỳ diệu của thiên nhiên đang dần dần mở ra trước mắt ẩn dưới những tán rừng trầm mặc còn nguyên vẻ sơ khai.
Thác 50. Ảnh: Hòa Carol
Thác 50. Ảnh: Hòa Carol
Để khám phá thác 50 cần phải chuẩn bị sẵn sàng về thể lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và kỹ năng sinh tồn thật tốt. Bởi muốn đặt chân đến thác, du khách phải vượt qua nhiều đoạn dốc được xếp bằng những tấm bê tông với thế dựng đứng, quanh co, uốn lượn khiến ai cũng thót tim. Đường đất trơn trượt có đoạn bám vào dây thừng, đoạn khác phải xuống đi bộ trong thời tiết sương mù. Điện thoại chúng tôi bắt đầu mất sóng. Có cảm tưởng như chúng tôi đang quay trở về thời hồng hoang, khi mặt đất còn hoang vu.
Mọi mệt mỏi, khó khăn trong chặng đường khám phá dường như tan biến bởi hiện rõ trước mắt chúng tôi vẻ đẹp tráng lệ được kết hòa, đan xen giữa các tầng địa chất đá, nước, cây. Dòng thác dần mở ra, nước tung bay là là như làn khói sóng bay lên từ ban mai, rồi bỗng đột ngột chuyển mình mạnh mẽ đổ ào ập, vồng lên uốn lượn, lách len qua các tảng đá, vẽ nên một khung cảnh nên thơ. Tại đây, dòng nước và khối không khí chia ra đôi ngả. Nước thì tung tẩy còn khí thì thốc ngược tạo thành một luồng sương lan ra mạnh mẽ nên thảm thực vật xung quanh mùa nào cũng xanh mát, tốt tươi.
Dưới ánh mặt trời chiếu xuống, thác nước lung linh ánh bạc, sáng trong và lấp lánh. Trong ngày nhiều nắng sẽ tạo thành những mảnh cầu vồng 7 sắc khiến khung cảnh càng thêm diệu kỳ, tưởng như đang tham gia lễ hội ánh sáng với pháo hoa rực rỡ. Cả một dòng nước ngày cũng như đêm đùa giỡn, nhảy múa. Mọi người trong đoàn ai nấy sững sờ, ngạc nhiên rồi vỡ òa bởi sự quyến rũ thuyết phục hoàn toàn từ thiên nhiên kỳ vĩ. Cảm giác tiệm cận thế giới kỳ diệu của núi rừng, thưởng lãm chốn núi non tuyệt mỹ quả thật xứng đáng gấp ngàn lần sự vất vả mà chúng tôi đã trải qua.  
Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) có đến 12 con thác nhưng vẫn còn một số thác nữa hiện sinh đâu đó chốn rừng sâu, đến nay vẫn chưa được khám phá. Trong hệ thống thác nước ở đây thì thác K50 (thác 50, thác Hang Én) đẹp nhất. Ảnh
Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có đến 12 con thác nhưng vẫn còn một số thác đến nay vẫn chưa được khám phá. Trong hệ thống thác nước ở đây thì thác 50 là đẹp nhất. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Nhưng sự hấp dẫn của thác 50 còn ở ý chí chinh phục khi mà đang vào mùa mưa, dòng nước hung bạo cuồn cuộn xiết, đổ ào ập tung bọt. Khi mà tiếng gió rượt đuổi nhau rin rít, tiếng bàn chân người sau tiếp chân người trước, bám vào dây thừng trèo xuống lòng hang ghé thăm “đôi mắt nàng 50”. Có đoạn mệt quá, nằm sõng soài cạnh đám dương xỉ um tùm, ngước mắt lên nhìn mây trời qua những tàu lá chuối rừng xanh miên miết rồi thiêm thiếp ngửa mặt hít một hơi thật dài, thật sảng khoái mùi vị của rừng sâu và lắng nghe thanh âm tiếng nước đổ trong lòng hang dữ dội. Bắt đầu từ con suối dưới chân thác 50, chúng tôi băng ngang qua lối vào trong hang của loài chim én cỏ, cắt ngang đi lên đoạn rừng già, luồn qua những gập ghềnh rồi bám trụ ngay tảng đá lớn. Hay một lối khác là đi qua con dốc trơn nằm ở lưng chừng thác, ngay sau tấm dải bạc khổng lồ trắng xóa. Sự tĩnh lặng bí hiểm của hang sâu nhường chỗ cho tiếng lao xao gọi bầy của từng đàn chim én liệng lờ cửa hang, vừa chao nghiêng đôi cánh, vừa rít ríu hòa ca.
Đứng giữa lòng thác, chúng tôi càng rõ hơn cảm giác lọt thỏm, bé nhỏ trong một không gian mênh mông, hùng vĩ của núi rừng nguyên sơ. Những phiến đá được xếp đặt một cách ngẫu nhiên từ tạo hóa lại trở thành nơi ngồi ngắm cảnh, hay buông chân nghịch đùa cùng làn nước mát lành. Giấc mơ về đại ngàn của chúng tôi ẩn tàng và ám ảnh một cách kỳ lạ đến độ soi chiếu trôi trong từng nấc thang của đại ngàn soi rọi qua dòng thác 50 bất tận ngày đêm reo hát.
Tia nắng cuối ngày xuyên qua bên kia thác, phía bên này thấp thoáng những tàng cây lá đỏ ối, rừng rực giữa bốn bề xanh um. Tôi đang mơ hay ao ước được bay lên cao rồi cuộn tròn, ngả nghiêng giữa lòng thác. Gió ở sóng lưng cứ ràn rạt thổi chẳng dừng. Chúng tôi vẫn như đang bay, bay trong sự nhẹ bẫng giữa tầng không, bay trong niềm hân hoan từ vẻ đẹp mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Chợt nghe từ trong tiềm thức, giấc mơ ngả mình giữa trái tim đại ngàn…
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.