Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), VN lần đầu tiên chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng).
Không chỉ thế, VN còn là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của WB. Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp cho biết WB đánh giá rất cao việc bán tín chỉ rừng của VN và muốn lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới.
Có thể thấy, dù không phải nước đi đầu nhưng VN đã bắt nhịp khá nhanh với xu thế tăng trưởng xanh. Không chỉ những chủ rừng đang tích cực mong được tham gia bán tín chỉ carbon, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã và đang triển khai sản xuất, kinh doanh theo xu hướng này. Bởi chúng ta đều hiểu, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà bản thân xu hướng xanh cũng tạo ra giá trị vật chất có thể đo lường được. Minh chứng rõ ràng nhất chính là chuyện bán tín chỉ carbon rừng nói trên. Ở góc độ tiêu dùng, tiêu chí xanh cũng là yêu cầu của nhiều đối tác mua hàng trên thế giới. Chẳng hạn, EU cấm nhập khẩu các hàng hóa liên quan đến hoạt động phá rừng nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học. Vậy nên đồ gỗ, cà phê, cao su, tiêu... của VN muốn bán qua thị trường khối này thì buộc phải đáp ứng yêu cầu nói trên. Ở chiều ngược lại, sản phẩm của VN được nâng tầm khi kèm theo chứng nhận giảm thải carbon, giá bán khi đó chắc chắn cũng tốt hơn. Hay như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỉ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Là một trong những DN tiên phong trong áp dụng nông nghiệp tuần hoàn 10% cho mô hình nuôi - trồng trên quy mô lớn của mình, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, khẳng định lợi nhuận tăng thêm hàng trăm tỉ đồng. Có thể thấy, giá trị của màu xanh trong các trường hợp nói trên đã được đo lường một cách cụ thể, rõ ràng.
Dù vậy, phải thừa nhận chúng ta mới chỉ trong giai đoạn của thị trường carbon tự nguyện và cũng mới chỉ tập trung ở một số ít lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, năng lượng tái tạo mà chưa phủ rộng sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác. Vì thế, giá trị thu về còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, xây dựng, giao thông, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đều có dư địa và tiềm năng rất lớn. Nguyên nhân là khi chuyển sang sản xuất xanh, ban đầu DN sẽ phải bỏ ra chi phí không nhỏ để đầu tư dây chuyền, công nghệ. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây chính là yếu tố làm chậm lại quá trình chuyển đổi của nhiều tổ chức. Theo lộ trình, sàn giao dịch carbon sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025. Bộ
TN-MT sẽ trình Thủ tướng ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các DN thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính. Hiểu nôm na là những DN vượt hạn ngạch phát thải được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch phát thải từ các DN kiểm soát tốt, phát thải ít nên chưa sử dụng hết quota. Cũng đồng nghĩa là các DN sản xuất xanh, sạch có thể thu tiền từ bán hạn ngạch.
Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu và giá trị của màu xanh chính là tiền tươi, thóc thật.