Bản sắc văn hóa là vốn quý của mỗi dân tộc, là những giá trị riêng biệt làm nên tính đa dạng trong đời sống cộng đồng. Để những giá trị văn hóa truyền thống lưu mãi đến ngày sau, không ít già làng đã ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ vốn quý ấy.
*Ông Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro):
Già làng là “sợi chỉ đỏ”
Đó chính là “bí quyết” mà ông Đinh Keo-già làng Pyang áp dụng trong suốt những năm tháng giữ vai trò “cây đại thụ” của làng. Nổi tiếng khắp vùng Đông Trường Sơn bởi nắm giữ rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống, từ cồng chiêng, tạc tượng, đan lát cho đến hát dân ca, hát kể sử thi... ông Keo đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Bahnar. Ông chia sẻ: “Không có thế hệ chúng tôi thì con cháu sẽ bị “đứt” mạch nguồn văn hóa. Bởi vậy, sứ mệnh của chúng tôi rất nặng nề. Mỗi dân tộc đều có niềm tự hào về bản sắc văn hóa riêng, dân tộc Bahnar cũng thế. Để niềm tự hào ấy không bị mai một và mãi ăn sâu vào máu thịt của đồng bào, những già làng như chúng tôi phải ngày đêm “đánh thức” nó bằng nhiều cách khác nhau”.
|
Ông Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro; bìa phải) chia sẻ bí quyết chỉnh chiêng. Ảnh: Trần Dung |
Theo ông Keo, tùy vào thực tiễn mà ông áp dụng những biện pháp tuyên truyền khác nhau. Ông không bắt người làng phải học đánh chiêng, múa xoang, tạc tượng một cách khiên cưỡng mà dùng chính tài năng của mình thể hiện cho họ thấy, họ nghe và làm theo. Những bài dân ca, hát kể sử thi của ông đã khiến thanh niên trong làng say mê; những bức tượng, sản phẩm đan lát khiến người làng yêu thích và tự hào về giá trị văn hóa dân tộc. “Làm thế nào để gìn giữ, phát huy các giá trị quý giá ấy, làm thế nào để dân làng không quay lưng lại với văn hóa của cha ông mình? Đó chính là điều tôi trăn trở. Hiện nay, tôi cũng đã thành lập một đội cồng chiêng nhí trong làng để lớp trẻ con Bahnar lớn lên đều biết đánh cồng chiêng”-ông Keo khẳng định.
* Ông R’Cơm Hmyơk (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku):
Thường xuyên tổ chức các cuộc thi về văn hóa dân tộc
Ở tuổi 65, ông Hmyơk vẫn tích cực tham gia hoạt động biểu diễn, tập luyện đánh cồng chiêng và tạc tượng để lớp con cháu trong làng thấy được nét đẹp của văn hóa dân tộc Jrai. Ông Hmyơk có đôi tay khéo léo “thổi hồn” vào những thớ gỗ để tạc nên nhiều bức tượng gỗ dân gian sinh động. Ông cho biết, để làm nên những bức tượng có hồn, nghệ nhân phải kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ đến từng đường nét chạm khắc. Tuy nhiên, đa phần những nghệ nhân tạc tượng trong làng tuổi đã cao, sức đã yếu. Trong khi đó, lớp trẻ thì hầu như không mấy mặn mà và ít có cơ hội để tiếp cận.
|
Già làng R'Cơm Hmyơk (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) “hiến kế” tạo sức hút cho văn hóa dân tộc bằng các cuộc thi. Ảnh: Trần Dung |
Bởi vậy, theo ông Hmyơk, các làng, xã cần tổ chức những cuộc thi tạc tượng hay liên hoan cồng chiêng để thanh niên có sân chơi, có động lực để gìn giữ giá trị văn hóa. Ông Hmyơk tâm sự: “Bọn trẻ ngày nay có rất nhiều thú vui nên sao lãng và không mấy hứng thú với việc tạc tượng, đánh chiêng, đan lát… Chính vì vậy, nếu tổ chức các cuộc tranh tài ở lĩnh vực này thì sẽ tạo được sức hút đối với chúng. Lớp trẻ phải biết học hỏi để sau này còn thay người già gìn giữ truyền thống của dân tộc mình”.
*Ông Rơ Lan Hào (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê):
Già làng phải truyền lửa văn hóa
Kinh nghiệm ấy được già làng Rơ Lan Hào đúc kết từ những tháng năm nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình cho nhiều lớp cháu con trong làng. “Bản sắc văn hóa là tài sản tinh thần, là nét riêng nhằm phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác. Để bọn trẻ hiểu được điều này, chính những người lớn tuổi trong làng phải thường xuyên gần gũi, tỉ tê tâm sự với chúng từ những điều nhỏ nhất. “Mưa dầm thấm lâu”, rồi dần dần chúng sẽ biết yêu bản sắc của dân tộc mình”-ông Hào vui vẻ nói.
|
Gà làng Rơ Lan Hào (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, bên trái ảnh) luôn gần gũi thế hệ trẻ trong làng. Ảnh: Trần Dung |
Đảm nhận chức vụ già làng đã hơn 10 năm nay nhưng chưa khi nào ông Hào cảm thấy mệt mỏi và áp lực với vai trò này. Hiện nay, khi cuộc sống vật chất của dân làng đã ổn định, ông nghĩ ngay đến chuyện vận động gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Jrai. Ông biết rõ từng đứa trẻ trong làng, hoàn cảnh của chúng ra sao và sở thích của chúng là gì. Bởi vậy, bất cứ khi nào có dịp, ông đều ngồi lại cùng, nghe chúng nói về những khúc mắc trong lòng rồi tìm cách tháo gỡ. Dần dần, ông trở thành người bạn thân thiết của chúng. Ông nói chúng nghe và thích thú, làm theo. Già làng Hăng Ring bày tỏ: “Quan sát lớp trẻ lớn lên, bầu bạn với chúng giúp mình hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng đứa. Đứa thì mê đánh chiêng, đứa thích tạc tượng, đứa hứng thú với đan lát… Cứ như thế, mình sẽ hướng bọn trẻ đi theo loại hình mà chúng cảm thấy say mê”. Nhờ cách truyền dạy của ông mà sức sống của di sản văn hóa tại làng Hăng Ring đã được lưu giữ rất hiệu quả.
*Ông Kpă Jao (buôn Chính Đơn 1, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa):
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với tinh thần tự lực, tự thân
Đó là quan điểm mà ông Kpă Jao luôn chú trọng tuyên truyền đến dân làng. Là người sinh ra và lớn lên cùng nương rẫy, sông suối nơi đây nên ông hiểu và yêu vùng đất này như máu thịt mình. Chính vì vậy, ông cũng rất tâm huyết trong việc chắt lọc những nét tinh túy của văn hóa truyền thống để truyền lại cho thế hệ trẻ.
“Giữ gìn văn hóa truyền thống là việc của chính dân tộc mình, cho dân tộc mình và vì dân tộc mình. Vậy nên, tôi tích cực tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm để cùng nhau bảo tồn văn hóa truyền thống chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”-ông Jao cho hay. Với suy nghĩ ấy, ông đã vận động bà con trong buôn dành thời gian, tâm huyết học đánh chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… Từ đó, mỗi người dân phải luôn ý thức được vai trò của từng cá nhân trong việc góp phần lưu giữ vốn quý của dân tộc mình. “Sự chung tay của cả cộng đồng là phương pháp hữu hiệu nhất để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-ông Jao chia sẻ.
TRẦN DUNG