(GLO)- Chiều 6-6, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức tọa đàm xây dựng Luật Phòng thủ dân sự. Tham dự buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông và Thiếu tướng Cao Phi Hùng-Phó Tư lệnh Quân khu 5.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nghe báo cáo kết quả hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác phòng thủ dân sự trên địa bàn tỉnh. Từ những vấn đề trên, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thống nhất quan điểm đóng góp xây dựng Luật Phòng thủ dân sự sát với điều kiện thực tiễn của đất nước nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: R’Ô HOK |
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, chính trị tại địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thi hành pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; quy chế hoạt động; hoạt động liên quan đến công tác phòng thủ dân sự ở địa phương; luyện tập, diễn tập, ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh...; công tác xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự ở địa phương; nguồn lực của địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự; chế độ chính sách; hỗ trợ, khắc phục hậu quả cho các đối tượng bị rủi ro; vấn đề ban bố tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông khẳng định: Buổi tọa đàm đã hoàn thành mục đích, yêu cầu đề ra. Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là nội dung hết sức quan trọng và cần thiết. Để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự đạt hiệu quả, yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về phòng thủ dân sự. Muốn đạt được điều đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp phải chấp hành nghiêm nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy vai trò tham mưu của lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể về phòng thủ dân sự.
Mặt khác, cần quan tâm đến việc xây dựng hệ thống công trình phòng-chống thảm họa thiên tai, môi trường bảo đảm cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng các yêu cầu “Tích cực, chủ động, kịp thời phòng tránh, khắc phục hiệu quả”, lấy các biện pháp phòng ngừa là chính. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, việc thực hiện tốt các mặt công tác chuẩn bị, nhất là xây dựng kế hoạch từ trước và tổ chức huấn luyện, diễn tập phải chu đáo các phương án đã dự kiến phải được tiến hành nền nếp. Có như vậy, nhiệm vụ phòng thủ dân sự mới đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội.
R’Ô HOK