Gia Lai quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 24-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai với sự tham dự của gần 100 các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Hà Nội và Gia Lai.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu giới thiệu, quảng bá du lịch Gia Lai với thế mạnh về các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và hệ thống dịch vụ, tạo sự gắn kết doanh nghiệp giữa 2 địa phương cũng như thu hút sự liên kết, hợp tác đầu tư từ doanh nghiệp TP. Hà Nội trong việc khai thác các sản phẩm du lịch Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để ngành Du lịch Gia Lai phục hồi sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. 

Thác 50 là một trong những điểm đến hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Phương Vi
Thác 50 là một trong những điểm đến hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Phương Vi

Gia Lai là một tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có điều kiện khí hậu ôn hòa, mát mẻ cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ thống sông, hồ, thác ghềnh phong phú như Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Mơ, thác 50. Cùng với đó, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng với 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng sinh học, là điểm đến hấp dẫn của các nhà khoa học... Không chỉ vậy, Gia Lai còn sở hữu nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của cộng động các dân tộc thiểu số, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ngoài ra, Gia Lai còn có nhiều di tích văn hóa-lịch sử có giá trị cao: Quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo; di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá; một số di tích lịch sử: Chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông), chiến thắng Đak Pơ (huyện Đak Pơ), Làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp), Căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong, huyện Kbang)… 

Năm 2022 tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai ước đạt 950.000 lượt, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt, khách nội địa ước đạt 947.500 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Do vậy hoạt động xúc tiến du lịch vào thời điểm này sẽ góp phần giúp ngành Du lịch Gia Lai phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch.

Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 139 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 32 khách sạn 1 sao, 91 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách cùng với 2 công ty lữ hành quốc tế và 7 công ty lữ hành nội địa.

Tại hội nghị, để tăng cường hơn nữa sự liên kết trong phát triển du lịch giữa Gia Lai và Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu-Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị: 2 cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác phát triển du lịch hai địa phương đảm bảo duy trì môi trường du lịch lành mạnh và các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn; tiếp tục tăng cường hợp tác trong tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của mỗi địa phương tới thị trường khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các phương tiện, các kênh truyền thông của các địa phương, liên kết website; Phối hợp tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tích cực tham gia các sự kiện của 2 địa phương, hàng năm phối hợp tổ chức từ 1-2 chương trình, sự kiện du lịch chung; phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc; phối hợp tổ chức đoàn FAM các doanh nghiệp du lịch khảo sát phát triển kết nối tuyến Hà Nội và Gia Lai; Gia Lai-Hà Nội và các địa phương lân cận.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.