(GLO)- Địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và đạo Baha’i. Tổng số chức sắc, chức việc 2.418 người, trong đó có 512 vị chức sắc các tôn giáo. Toàn tỉnh có 226 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo có 367.363 người - chiếm khoảng 25% dân số trong tỉnh.
Là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nội vụ, những năm qua, Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai đã quan tâm củng cố tổ chức bộ máy, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, giúp giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo tại địa phương, triển khai các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo theo đúng quy định...
Ông Nguyễn Văn Nô - Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết: “Ban đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết các thủ tục hành chính theo thầm quyền, kịp thời đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân. Để áp dụng và triển khai thực hiện Quyết định số 199/QĐ-BNV ngày 31-1-2018 của Bộ Nội vụ, trong năm nay, Ban đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ”.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà tặng hoa chúc mừng Giáng sinh tại Ban đại diện Tin lành tỉnh. Ảnh: Thanh Nhật |
Ban Tôn giáo tỉnh còn tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các ngành liên quan công tác tôn giáo, để nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng nhiệm vụ chuyên môn được giao; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo, góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân theo quy định pháp luật. Tham mưu cho Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cơ sở tôn giáo làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, giải quyết kịp thời các thủ tục liên quan theo đúng quy định. Thường xuyên phối hợp với các ban ngành, MTTQ và các đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền vận động đồng bào có đạo sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật, cảnh giác đấu tranh với âm mưu lợi dụng tôn giáo...
Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Văn Nô cho biết thêm: “Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật, từ giữa năm 2017 đến nay, Ban đã tham mưu giúp Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quán triệt, tập huấn về Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ chủ chốt các cấp và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo. Đồng thời, đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho gần 1.500 chức sắc và chức việc của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, cũng như giúp cho đồng bào có đạo tăng cường hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”.
|
Chức sắc, tu sĩ các tôn giáo tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Ảnh: Thanh Nhật |
Trao đổi với PV, Mục sư Siu Tum-Ủy viên Ban Trị sự Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam-Miền Nam phụ trách mục vụ tại tỉnh Gia Lai cho biết: “Qua theo dõi tình hình sinh hoạt tôn giáo của Hội Thánh Tin lành Việt Nam-Miền Nam tại Gia Lai, chúng tôi rất phấn khởi vì những năm qua địa phương luôn quan tâm hoạt động của Hội thánh… Đồng thời đã tạo điều kiện để Hội thánh thành lập được 64 chi hội và duy trì hơn 270 điểm nhóm sinh hoạt. Các Chi hội cũng đã xây dựng được 27 nhà thờ và đưa vào hoạt động, bên cạnh đó hiện còn 7 nhà thờ khác đang tiếp tục thi công…Đến nay, đội ngũ chức sắc của Hội thánh tại Gia Lai có 22 mục sư thực thụ và 44 mục sư nhiệm chức, giúp đồng bào theo đạo sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Hội thánh...”.
Tìm hiểu tại một cơ sở tôn giáo của đạo Công giáo là Nhà thờ Giáo họ Đức mẹ hằng cứu giúp thuộc xã Trà Đa, thành phố Pleiku, ông Mai Văn Định-Trưởng Ban Chức việc cho biết: “Giáo họ hiện có hơn 600 giáo dân. Bà con luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật, chăm lo làm ăn đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định, tham gia các hoạt động do địa phương triển khai tại khu dân cư. Chúng tôi cũng phấn khởi vì địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện cho các hoạt động của Nhà thờ và sinh hoạt đạo của bà con trong Giáo họ, đúng theo tinh thần tự do tín ngưỡng tôn giáo mà pháp luật đã quy định”.
|
Sinh hoạt tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh Thanh Nhật |
Đề cập về những nhiệm vụ và giải pháp trong công tác tôn giáo thời gian tới, ông Hồ Hải Tần-Phó Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Ban tiếp tục giúp Sở Nội vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về tôn giáo, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo và các văn bản chỉ đạo liên quan của Trung ương. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, các ngành chức năng liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp MTTQ ban ngành đoàn thể tuyên truyền giúp đồng bào có đạo nâng cao cảnh giác với âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tăng cường củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo các cấp, chú trọng công tác đào tạo cơ bản, bồi dưỡng nhằm từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tôn giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các vấn đề liên quan công tác quản lý nhà nước về tôn giáo theo quy định của pháp luật, đưa chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đi vào cuộc sống”.
Thanh Nhật