(GLO)- Hiện nay, công tác quản lý loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp ngày càng được thắt chặt. Nhằm kịp thời ngăn ngừa những rủi ro không đáng có, các cơ quan quản lý liên tục đưa ra cảnh báo để người dân nắm bắt thông tin, tránh vướng vào các hệ thống đa cấp biến tướng.
Dấu hiệu nhận biết đa cấp bất chính
Kinh doanh theo phương thức đa cấp (hay còn gọi là bán hàng đa cấp) du nhập vào Việt Nam từ năm 2000. Đến năm 2005, cả nước có khoảng 12 công ty bán hàng đa cấp. Để hòa nhập với thế giới và tình hình thực tế, hành lang pháp lý về bán hàng đa cấp dần được hình thành. Năm 2010, loại hình bán hàng đa cấp đã bùng nổ với 63 doanh nghiệp, hơn 1 triệu nhà phân phối. Đến năm 2011 thì xảy ra sự cố của Agel Việt Nam với nhiều người đầu tư tiền tỷ mở hàng loạt mã số để nhanh chóng lên vị trí, mong kiếm được nhiều tiền hoa hồng, sau đó ôm hàng về bán phá giá thị trường. Do đó, làn sóng công kích đối với bán hàng đa cấp lại bùng lên, nói tới đa cấp là gắn với cụm từ “lừa đảo và giá cắt cổ”.
Tuy nhiên, bán hàng đa cấp vẫn tiếp tục phát triển. Năm 2013, cả nước có 102 doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp với 1,2 triệu nhà phân phối 7.000 mặt hàng, doanh thu đạt 6.450 tỷ đồng, đóng thuế 1.130 tỷ đồng. Sau khi siết chặt quản lý loại hình này, đến cuối năm 2014, cả nước chỉ còn 60 doanh nghiệp và hiện chỉ còn 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), doanh thu bán hàng đa cấp năm 2021 đạt hơn 19.000 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2020), số thuế nộp hơn 2.819 tỷ đồng (tăng hơn 35% so với năm 2020).
|
Sở Công thương phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật về kinh doanh đa cấp. Ảnh: Vũ Thảo |
Tại Gia Lai hiện có 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động với các ngành hàng kinh doanh chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương, nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cảnh báo nên người dân đã ý thức được các rủi ro khi tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép và kinh doanh dịch vụ sử dụng mô hình trả thưởng đa cấp như đầu tư tài chính, tiền ảo, dịch vụ giáo dục, đào tạo, đặc biệt là lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn vẫn còn tồn tại. Cũng theo bà Nguyệt, cần nhận thức rằng, bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Nói về các dấu hiệu nhận biết kinh doanh đa cấp chân chính và bất chính, ông Khuất Duy Thoại-giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thương mại) cho biết: “Đối với hoạt động đa cấp chân chính, người tham gia sẽ là tự nguyện. Người tham gia có bán sản phẩm, tham gia không mất phí (nếu có chỉ là phí mua tài liệu, làm thẻ); hoa hồng phát sinh khi hàng hóa được bán, phụ thuộc vào cấp bậc và hệ thống; chính sách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thống nhất, công bằng, không phụ thuộc tham gia sớm muộn, không bắt ép mua sản phẩm. Sản phẩm có chất lượng tốt, được tiêu thụ cả trong và ngoài mạng lưới. Nhà phân phối am hiểu và đam mê sản phẩm, giá mua của nhà phân phối thấp hơn giá thị trường, cam kết nhận lại sản phẩm; đồng thời, nhà phân phối được đào tạo thành chuyên gia, đối tượng phục vụ là người tiêu dùng. Còn đa cấp bất chính thì được nhận diện qua phương thức lôi kéo, ép buộc, người tham gia không có bán sản phẩm, chỉ mời vào mạng lưới, phụ thuộc vào thời gian tham gia từ đầu; phải mất khoản tiền lớn để tham gia; hoa hồng được nhận khi có thêm người vào mạng lưới, phụ thuộc trên đỉnh hay dưới đáy; chính sách mập mờ, không rõ ràng, sơ sài, không công bằng, bị bắt buộc đóng một khoản tiền hoặc mua một lượng lớn sản phẩm để được tham gia; sản phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu thụ trong hình tháp; nhà phân phối lơ mơ về sản phẩm, mập mờ về công dụng; sản phẩm không thể bán ra thị trường hoặc giá bán thấp hơn giá sỉ, không cam kết nhận lại sản phẩm…
Siết chặt kiểm tra, kiểm soát
Ông Nguyễn Trường Giang-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-cho biết: Đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm tra về giấy chứng nhận đủ điều kiện bán hàng đa cấp, kiểm tra đối tượng của đa cấp có phải là hàng hóa hay không; hàng hóa có giá trị, có đạt chất lượng hay không; kiểm tra việc có hay không doanh nghiệp yêu cầu người tham gia bán hàng đặt cọc để mua một số lượng hàng hóa nhất định; cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới đa cấp; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng; kiểm tra các thông tin doanh nghiệp đưa ra có đúng sự thật hay không như thông tin về thu nhập, về công dụng sản phẩm... Việc kiểm tra, nhận diện các doanh nghiệp đa cấp bất chính sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trước các hoạt động của đa cấp biến tướng, đảm bảo môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính.
Có một thực tế là phần đông người khi nghe nói đến bán hàng đa cấp thường “dị ứng”. Do đó, trong quá trình phát triển thị trường, các nhà phân phối thường sử dụng các cụm từ như: kinh doanh theo mạng, multi-level marketing hoặc network marketing. Bà Lê Thị Huyên-Quản lý Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Lô Hội Gia Lai-chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người vẫn chưa phân biệt được đâu là kinh doanh đa cấp chân chính, đâu là kinh doanh bất chính. Chính vì hiểu sai về loại hình bán hàng đa cấp nên nhiều người không muốn kinh doanh cũng như không tin dùng sản phẩm. Đây là khó khăn chung của những công ty đa cấp chân chính”. Bà Huyên cho biết thêm, năm 2013, khi Chi nhánh mới thành lập đã thu hút hơn 500 người tham gia mạng lưới kinh doanh, nhưng đến thời điểm này chỉ còn vỏn vẹn 10 người.
|
Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn. Ảnh: Vũ Thảo |
Ông Phạm Văn Cao-Phụ trách Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương) đánh giá: Hiện nay, việc quản lý kinh doanh đa cấp được thắt chặt. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh chính thống, hoạt động của các đối tượng lợi dụng kinh doanh đa cấp để trục lợi bất chính vẫn diễn biến phức tạp. Nhằm kịp thời ngăn ngừa các rủi ro không đáng có, các cơ quan quản lý đã liên tục đưa ra cảnh báo để người dân nắm bắt thông tin và tránh tham gia vào các hệ thống đa cấp bất hợp pháp. Một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong kinh doanh đa cấp đó là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đánh vào lòng tham của người tham gia để lôi kéo vào hoạt động bán hàng đa cấp nhằm chiếm đoạt tài sản; huy động tài chính bằng cách lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhưng không có thật; huy động tài chính qua tiền ảo; hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.
“Theo Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm. Những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp là thuốc, trang-thiết bị y tế, các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng, y tế; các loại hóa chất nguy hiểm; sản phẩm nội dung thông tin số”-ông Cao cho biết thêm.
VŨ THẢO