Gia Lai-Kon Tum: Kết nối để tăng sức hút cho du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gia Lai-Kon Tum có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, nhưng sản phẩm du lịch 2 địa phương chưa tạo ra nhiều sự khác biệt. Làm thế nào để mỗi địa phương khai thác được thế mạnh với bản sắc riêng, rất cần các đơn vị lữ hành hiến kế, chọn lọc điểm đến để xây dựng thành sản phẩm thu hút du khách, thúc đẩy du lịch vùng phát triển.
Đoàn famtrip gồm các đơn vị lữ hành phía Bắc sau chuyến khảo sát du lịch 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã đặt nhiều kỳ vọng làm mới sản phẩm trên cung đường trải nghiệm Bắc Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch đang trên đà phục hồi.
Kết nối để tăng sức hút
Tỉnh Gia Lai chọn 2 tuyến thuận lợi trên cung đường kết nối với Kon Tum để giới thiệu với đoàn famtrip. Tuyến thứ nhất là Nhà máy Thủy điện Ia Ly, suối đá cổ làng Vân (xã Ia Ly), làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, hàng thông cổ thụ trăm năm tuổi dẫn vào chùa cổ Bửu Minh, một trong những biểu tượng văn hóa-lịch sử-tâm linh của vùng đất. Tuyến thứ hai là thác Mơ, làng chài Sê San (huyện Ia Grai), đi thuyền máy lướt trên “dòng sông ánh sáng” cùng những câu chuyện thấm đẫm phong vị văn hóa ở những ngôi làng bản địa ven sông.
Để giúp các đơn vị lữ hành phía Bắc dễ hình dung về bức tranh du lịch ở các tuyến đi, nhất là xây dựng tour kết nối 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum, 2 hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu Lê Gia Minh và Nguyễn Lê Hoàng Anh (Công ty TNHH Thương mại Du lịch sinh thái Gia Lai) trở thành những sứ giả đặc biệt cho hành trình này. Với kinh nghiệm 25 năm làm hướng dẫn viên, chị Hoàng Anh giới thiệu đến đoàn famtrip những yếu tố hấp dẫn tại các điểm đến, quãng đường và thời gian di chuyển, lưu ý những điểm đến có lợi thế khai thác thị trường khách nước ngoài, khách trong nước, thời điểm lý tưởng trong năm để ngắm hoa dã quỳ…
 Thủy điện Ia Ly được các đơn vị lữ hành rất quan tâm trong xây dựng tour kết nối Gia Lai-Kon Tum. Ảnh: Minh Châu
Thủy điện Ia Ly được các đơn vị lữ hành rất quan tâm trong xây dựng tour kết nối Gia Lai-Kon Tum. Ảnh: Minh Châu
Ông Phùng Quang Thắng-Giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội-cho biết: “Thành phần đoàn khảo sát có các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc. Mỗi doanh nghiệp đều có phân khúc khách hàng khác nhau nên quan tâm đến các yếu tố để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với đối tượng khách của mình. Khi khảo sát, chúng tôi chú ý điểm tham quan phải đẹp, hấp dẫn, có dịch vụ đi kèm như lưu trú, ẩm thực, nhà hàng, mua sắm và nhiều dịch vụ phụ trợ khác để du khách thỏa mãn nhu cầu nhiều mặt”.
Là đơn vị lữ hành nhiều năm khai thác các tour du lịch Tây Nguyên, ông Hồ Thanh Chương-Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Công ty Lữ hành Flamingo Redtours-cho hay: “Chúng tôi hiện khai thác tour 5 ngày 4 đêm qua 3 tỉnh Kon Tum-Gia Lai-Đak Lak rất thành công, được khách hàng tin tưởng. Tuy nhiên, làm mới sản phẩm với các điểm đến khác biệt trên một cung đường luôn là đòi hỏi tất yếu để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách. Trong chuyến khảo sát này, tôi đặt nhiều kỳ vọng với điểm đến mới là Vườn sâm Ngọc Linh-điểm cộng cho hành trình khám phá Kon Tum. Đối với tỉnh Gia Lai, tôi quan tâm đến Thủy điện Ia Ly, suối đá cổ làng Vân và khu nhà mồ ở làng Kép. Kế hoạch của chúng tôi là kết nối các điểm đến này để làm mới sản phẩm của mình ở Tây Nguyên. Đến tháng 10, 11, chúng tôi sẽ đưa núi lửa Chư Đang Ya vào tour khám phá Bắc Tây Nguyên. Còn làng chài Sê San và thác Mơ chưa được như kỳ vọng của tôi bởi mùa này thác không nhiều nước, lại chưa có dịch vụ gì phụ trợ ngoài cảnh quan. Dịch vụ ăn uống ở làng chài cũng không tốt lắm, khó đáp ứng được khách đoàn với số lượng đông. Hơn nữa, đi thuyền máy trên sông cũng khá ồn, không thể nghe được những câu chuyện thú vị mà hướng dẫn viên giới thiệu với đoàn”.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-thông tin: Chương trình khảo sát nằm trong kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong đó kết nối các điểm đến 2 tỉnh để du khách có nhiều trải nghiệm hơn trên cung đường khám phá Bắc Tây Nguyên. “Do đó, Sở lựa chọn các tuyến điểm phù hợp, thuận tiện nhất để giới thiệu với các đơn vị lữ hành. Ngoài ra, Sở cũng chuẩn bị tài liệu, ấn phẩm gửi doanh nghiệp lữ hành các tỉnh để họ tìm hiểu thêm thông tin về du lịch Gia Lai. Chúng tôi cũng giới thiệu các trang web về du lịch, Zalo, Facebook đến doanh nghiệp du lịch các tỉnh để họ dễ dàng cập nhật, kết nối khi cần”-ông Hoàng nói.
Điểm nhấn du lịch Bắc Tây Nguyên
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Phùng Quang Thắng, điểm hấp dẫn nhất của khu vực Bắc Tây Nguyên là văn hóa của các dân tộc bản địa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều sản vật địa phương. Để xây dựng sản phẩm du lịch mới thì phải đưa được yếu tố này vào thật đậm nét. “Nếu địa phương khai thác thành công yếu tố này thành thương hiệu du lịch, cũng sẽ giúp tạo ra thương hiệu cho các công ty du lịch khi chào bán tour Tây Nguyên cho khách hàng của mình”-ông Thắng nói.
Văn hóa bản địa là một trong những thế mạnh của du lịch Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Văn hóa bản địa là một trong những thế mạnh của du lịch Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng gợi ý chú trọng những dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng. “Đối với khách nội địa bây giờ cũng có những phân phúc khách hàng cao cấp, chi trả rất cao, do đó cần có những dịch vụ tương xứng. Điểm du lịch, thắng cảnh có thể chung với các phân khúc khách khác, nhưng dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vận chuyển… đều phải ở cấp độ chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp trong đoàn cũng đang tìm kiếm những sản phẩm dành cho phân khúc khách chi trả cao. Bởi những sản phẩm cao cấp sẽ làm cho thương hiệu doanh nghiệp uy tín hơn, dễ thu hút khách hơn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”-ông Thắng cho hay.
Sau đại dịch, nhu cầu du lịch của người dân đã thay đổi, nhiều du khách có xu hướng du lịch tự túc, đi cùng gia đình, đi nhóm nhỏ, thậm chí đi một mình. “Đây là đối tượng khách tăng trưởng nhanh sau đại dịch. Họ tự đặt dịch vụ, khám phá, trải nghiệm. Do đó, các địa phương cần có thông tin chi tiết, tỉ mỉ và chính xác để hỗ trợ, giúp họ dễ dàng di chuyển giữa điểm này với điểm khác, sử dụng dịch vụ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Đây cũng là luồng khách giúp địa phương quảng bá và thúc đẩy du lịch phát triển nhờ hiệu ứng lan tỏa”-ông Thắng nhấn mạnh.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.