Gia Lai kiên quyết xử lý xe chở mía quá khổ, quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cứ vào vụ thu hoạch mía, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai lại diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Biết sai vẫn vi phạm

Khu vực Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch mía. Người dân cũng như các nhà máy đều đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, thu mua trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Vì vậy, đến hẹn lại lên, trên các tuyến quốc lộ 19, 25, đường Trường Sơn Đông và các tuyến tỉnh lộ 662, 667, 669, tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải về các nhà máy đường lại tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, làm hạ tầng giao thông hư hỏng, xuống cấp.

Trong những ngày qua, P.V Báo Gia Lai đã đi tìm hiểu thực tế và dễ dàng bắt gặp những phương tiện chở mía cơi nới thành, thùng xe; có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải ngang nhiên lưu thông trên đường. Còn tại khu vực trước cổng 2 nhà máy, theo quan sát của P.V, có hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi dài xếp hàng chờ nhập mía. Bên cạnh những chiếc xe chở mía gọn gàng thì vẫn có hàng chục xe tải chất mía cao hơn cả phần cơi nới, có dấu hiệu quá khổ, quá tải nhưng không hiểu bằng cách nào đã lọt qua các chốt kiểm soát.

 Xe chở mía quá khổ, quá tải di chuyển trên quốc lộ 25. Ảnh: Vũ Chi
Xe chở mía quá khổ, quá tải di chuyển trên quốc lộ 25. Ảnh: Vũ Chi


Thiếu tá Đào Việt Cường-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) cho biết: “Ngay khi bước vào vụ thu hoạch nông sản, chúng tôi đã làm việc với các cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu ký cam kết tuân thủ các quy định về tải trọng. Hiện nay, đơn vị chỉ xử lý xe quá khổ, quá tải tại một điểm cố định. Trong thời gian vận hành thiết bị đo, tài xế có thể thông tin, liên lạc với nhau ngưng vận chuyển hàng hóa hoặc di chuyển qua đường khác để né chốt kiểm tra”.

Còn ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải thì cho biết: “Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ. Qua 1 tháng thực hiện cao điểm, cơ bản các chủ xe, lái xe đã chấp hành quy định về vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số chủ xe, lái xe hoạt động tránh né, vận chuyển hàng quá tải ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, gây mất an toàn giao thông. Cùng với đó, địa bàn quản lý rộng, nơi tập kết nông sản, hàng hóa nằm rải rác trên nhiều tuyến đường, lực lượng Thanh tra Sở còn mỏng, phải thực hiện thanh tra kiểm tra trên nhiều lĩnh vực quản lý nên trong công tác xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn”.

Theo ghi nhận của P.V, hầu hết các tài xế đều biết hành vi chở quá khổ, quá tải là sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Là một trong những trường hợp chở mía quá tải trọng 10-30% vừa bị lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an thị xã An Khê lập biên bản xử phạt, tài xế Trần Văn Khâm (phường Ngô Mây, thị xã An Khê) phân bua: “Xe của tôi có trọng tải 10,5 tấn. Bình thường, tôi chở đúng trọng tải nhưng hôm nay vì ruộng mía ở xa, số lượng còn lại ít nên chất hết vận chuyển 1 lần. Chúng tôi biết chở xe quá tải là vi phạm quy định, nhưng thấy để lại số lượng ít, nếu không nhận thì người dân phải mất thêm chi phí”.

Siết chặt kiểm tra, xử lý

Để ngăn chặn xe chở hàng quá khổ, quá tải là vấn đề không hề dễ khi số lượng xe tải vào vụ thu hoạch nông sản nhiều, hoạt động trên địa bàn rộng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 tại các địa phương đang diễn biến phức tạp, các lực lượng phải tham gia công tác phòng-chống dịch nên gặp không ít khó khăn trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, khi phát hiện lực lượng chức năng đặt trạm cân để kiểm tra tải trọng, tài xế thường dừng xe hoặc chuyển hướng đi khác. Cùng với đó, nếu đặt trạm cân xử lý ngay đầu các nhà máy dễ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông vì mỗi đơn vị chỉ có 1 cân tải trọng. Đồng thời, khi phát hiện quá tải lại thiếu địa điểm để hạ tải sẽ ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông cũng như tiến độ thu hoạch, thu mua của người dân, các nhà máy. Chính vì vậy, khi trạm chốt cân kiểm tra tải trọng xe của các lực lượng chức năng hoạt động ở khu vực nào thì tình hình vi phạm ở khu vực đó giảm. Nhưng sau khi lực lượng chức năng rút đi thì tình trạng vi phạm lại tái diễn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới dư luận cho rằng một số cơ quan chức năng còn nương tay trong xử lý.

Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Kông Chro) xử lý tài xế xe tải chở mía quá tải. Ảnh: An Phát
Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Kông Chro) xử lý tài xế xe tải chở mía quá tải. Ảnh: An Phát
Trong 1 tháng qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an các địa phương khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh đã lập biên bản hơn 80 trường hợp xe chở quá khổ, quá tải và xử phạt hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải cũng đã phát hiện 14 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 110 triệu đồng.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng xe quá khổ, quá tải, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền các quy định pháp luật đến các chủ phương tiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm. Thượng tá Lê Tiến Hùng-Phó Trưởng Công an thị xã An Khê-cho biết: “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp về việc phối hợp xử lý tình trạng xe quá tải, cơi nới kích thước thành thùng xe lưu thông trên địa bàn để đảm bảo trật tự an toàn giao thông mùa thu hoạch nông sản, thời gian qua, Công an thị xã An Khê đã phát gần 600 tờ rơi cho các tài xế ô tô tải, đồng thời tuyên truyền nội dung xử lý xe chở hàng vượt quá tải trọng, kích thước cho phép tham gia giao thông; yêu cầu 590 trường hợp viết cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, Công an thị xã đã lập biên bản xử lý 40 trường hợp với số tiền phạt hơn 246 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 10 trường hợp; tước giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định 4 trường hợp; tước phù hiệu phương tiện 1 trường hợp và tạm giữ giấy tờ các loại 40 trường hợp”.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an thị xã Ayun Pa) kiểm tra, nhắc nhở các tài xế không chở quá khổ, quá tải khi vận chuyển nông sản (Vũ Chi).jpg
Lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an thị xã Ayun Pa) kiểm tra, nhắc nhở tài xế không chở quá khổ, quá tải khi vận chuyển nông sản. Ảnh: Vũ Chi


Cũng liên quan đến xe chở mía quá khổ, quá tải, trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê-cho biết: “Ngày 15-12-2021, Nhà máy chính thức bước vào niên vụ ép 2021-2022. Trước đó, Nhà máy đã phối hợp với các địa phương, ngành chức năng tuyên truyền chủ mía, chủ xe trong quá trình vận chuyển cam kết chở hàng hóa theo đúng quy định. Tại bãi đỗ của Nhà máy có lắp đặt hệ thống camera, qua quan sát nếu thấy xe nào chất mía quá quy định thì tuyên truyền, nhắc nhở. Với những tài xế xe tải mà bị nhắc nhở tới lần thứ 3 thì sẽ cắt hợp đồng vận chuyển”.

Trong khi đó, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm: Để sử dụng các hình ảnh do thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi được làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định, chúng tôi đã đề xuất Thanh tra Bộ sớm tổ chức tập huấn quy trình sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (ghi hình, camera…) cho lực lượng Thanh tra Giao thông. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.