Gia Lai khẩn trương di dời người dân tại các vị trí nguy cơ cao bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) -Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 3870/BCH-PCTT về rà soát, tổ chức di dời các vị trí nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông bão số 4 có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14 giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ duy chuyển nhanh, dự báo chiều tối 27-9-2022 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, theo dự báo mưa lớn của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ chiều ngày 27-9 đến sáng ngày 29-9 thời tiết khu vực tỉnh Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa trong 24 giờ tới: Các huyện Kbang, Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, thị xã An Khê và TP. Pleiku phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 70 mm; các huyện còn lại từ 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. Tổng lượng mưa từ 24 đến 48 giờ tới ở các huyện: Kbang, Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, thị xã An Khê và TP. Pleiku phổ biến từ 80-150 mm, có nơi trên 200 mm; các huyện còn lại từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt trên các sông, suối; sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc trên địa bàn các địa phương tương đối cao.
Để hạn chế thiệt hại thấp nhất về tài sản đặc biệt là tính mạng của người dân, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung mà Chính phủ và UBND tỉnh chỉ đạo tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25-9-2022 và Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 26-9-2022.
Các địa phương tổ chức rà soát các vị trí thường xuyên bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở sụt lún đất trong các đợt mưa bão của những năm trước (xem xét các vị trí bị ảnh hưởng của cơn bão trước đây có cường độ mạnh tương đương bão Noru như bão số 9 năm 2009, bão số 9 năm 2020...); tổ chức quyết liệt các biện pháp di dời, cưỡng chế di dời tại các vị trí nguy cơ cao bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm tính mạng người dân, đồng thời giảm thiểu những khó khăn, rủi ro trong công tác tổ chức cứu hộ cứu nạn khi thiên tai xảy ra.
Cùng với đó, các địa phương báo cáo kết quả rà soát các vị trí di dời dân, công tác tổ chức thực hiện cho Ban chỉ huy PCTT-TKCN qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN trước 15 giờ ngày 27-9-2022 (địa chỉ số 69 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku; Email: cctlts.snnptnt@gialai.gov.vn, ccthuyloitsgialai@gmail.com) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan của Trung ương theo yêu cầu. 
TRẦN ĐỨC
 

Có thể bạn quan tâm